Bác gà trống mừng rỡ trở về. Đến cánh đồng đầu làng, bác gặp vợ chồng nhà bò đang cày ruộng. Bò cái nhanh nhảu chào: “Bác gà trống đi đâu về thế!”, nhưng tiếng bác phát ra “ò ..ò… ò…” nghe lạ hoắc. Bác gà trống hốt hoảng nhảy phắt sang lề đường, còn bò đực cứ nhe lợi ra mà cười. Vừa lúc đó cậu chó ở đâu chạy đến: “Ẳng ẳng ẳng”, cậu sủa lên một tràng dài, mặt mày hoan hỉ. Nhưng cả bò cái, bò đực lẫn gà trống ngơ ngác nhìn nhau chẳng hiểu gì cả. Thì ra bây giờ mỗi loài đã nói một thứ tiếng, con vật nào nói chỉ đồng loại chúng nghe được. Trời đã hóa phép ra như thế, đúng như lời xin của bác gà trống.
Từ hôm đó, tuy cùng một làng nhưng họ nhà gà, chó, mèo, ngan, vịt,… mỗi loài ở riêng một chòm; các con vật chỉ giao du với các đồng loại của mình. Kể ra thì cuộc sống cũng chẳng có gì thay đổi mấy đối với người lớn hình như còn có vẻ dễ chịu, đỡ những sự rắc rối hơn. Chỉ có bọn trẻ con là buồn. Buổi sớm lúc bố mẹ chúng đã đi làm, gà con, chó con, vịt con, v.v… chẳng biết làm gì. Chúng không thể đến lớp học vì không còn hiểu tiếng của nhau, không hiểu cả tiếng của cô giáo giảng bài. Buổi trưa, chúng lủi thủi mang cơm ra đồng cho bố mẹ, còn suốt buổi chiều chúng ru rú trong nhà. Bãi có đầu làng trở nên vắng teo, còn lũ trẻ con thì mặt đứa nào đứa nấy ỉu xìu như bánh đa gặp nước. Thấy con cái như thế, các bà mẹ hốt hoảng. Rồi không thấy bò cái, dê cái, gà mái,… ra đồng nữa. Các bà mẹ ở nhà dỗ con chăm con. Cuối cùng, cả bò đực, đê đực, gà trống,… cũng ở nhà. Chúng lo lắng, nghĩ ngợi và ân hận. Chẳng lẽ vì một chút quyền lợi ích kỷ của người lớn mà có thể quên đi niềm vui và hạnh phúc của trẻ thơ sao? Ân hận nhất là bác gà trống. Bác quyết định lại lên tâu xin với Trời.
Lần này, bác đi lúc đúng ngọ. Vừa đến nơi, gặp Trời, bác cúi rạp cái đầu có chiếc mũ màu đỏ thắm:
– Bẩm Trời, Trời đã cho chúng con mỗi loài một thứ tiếng, như thế thật là tiện lợi. Song lũ trẻ dại dột của chúng con, lũ gà con, vịt con, chó con, bê và nghé,… không chơi được với nhau nữa, chúng sinh ủ ê, ốm đau. Trẻ con không vui thì người lớn cũng sinh buồn chán, chẳng thiết làm ăn. Bây giờ dưới mặt đất, trong làng vắng tiếng trẻ cười, ngoài đồng cỏ cao hơn lúa…
– Vậy nhà ngươi muốn gì? – Trời cau có hỏi lại.
– Xin Trời cứ quở phạt con. – Bác gà trống càng cúi thấp cái đầu vốn kiêu hãnh: – Nhưng xin Trời hãy cho chúng con trở lại nói cùng một thứ tiếng.
Trời nhìn bác gà trống ái ngại, nhưng lắc dầu :
– Phép Trời đã ban ra, ta không thể thu lại được.
– Vậy Trời có cách nào nữa không ạ? – Bác gà trống nắm vạt áo Trời năn nỉ.
– Thôi ngươi về đi. – Ông Trời ngẫm nghĩ, thở dài rồi với tay lấy quả bưởi vàng trên mâm ngũ quả – Ta sẽ đền cho lũ trẻ ngốc nghếch nhà các ngươi trái bưởi này. Ngươi cứ về đi!
Bác gà trống không hiểu ông Trời định đền quả bưởi làm gì, song cũng đành thấp thỏm ra về. Hôm ấy, giữa đường bác gặp mưa nên chưa về đến nhà trời đã sụp tối. Bác gà trống bối rối dừng lại bên đường, vào lúc xâm xẩm thế này bác không thể đi lại được. Đang lúc tần ngần như thế thì bác thấy như trời… sáng ra. Thứ ánh sáng xanh, trong như nước, rất lạ lùng, khác hẳn ánh nắng mặt trời chói chang nóng bức ban ngày. Bác gà trống ngẩng nhìn trời: giữa không trung bao la thăm thắm, trái bưởi vàng của Trời đang lung linh tỏa sáng. Ngắm nhìn trái bưởi, tự nhiên bác gà trống thấy lòng tràn ngập một niềm vui khó tả. Và, may mắn làm sao, nhờ ánh sáng từ trái bưởi, bác không phải ngủ đỗ đọc đường.