Thời tiết nắng nóng, đặc biệt là độ ẩm trong không khí khá cao là những điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút ... bùng phát, tấn công và gây bệnh cho con người. Đặc biệt là trẻ em, do sức đề kháng còn non yếu nên trẻ rất dễ nhiễm bệnh.
Các bệnh hay gặp mùa hè ở trẻ là nhiễm trùng đường tiêu hoá, bệnh đường hô hấp, sốt siêu vi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, các bệnh về da,… Để phòng ngừa các bệnh thường gặp mùa nắng nóng cho trẻ, cha mẹ cần chú ý một số các biện pháp chăm sóc như sau:
Thực hiệntốt vệ sinh, an toàn thực phẩm, đủ dinh dưỡng
Vệ sinh sạch sẽ nơi chế biến, ăn chín uống sôi, sử dụng các loại thực phẩm an toàn để phòng ngừa các rối loạn tiêu hóa, đường ruột.
Cần chế biến và bảo quản thức ăn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hướng dẫn trẻ có thói quen vệ sinh cá nhân, nhắc nhở, hướng dẫn trẻ rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, giúp loại bỏ những tác nhân gây bệnh nguy hiểm từ đôi bàn tay trẻ.
Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh, tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, nước ngọt có ga...
Rèn cho trẻ thói quen rửa tay thường xuyên để phòng bệnh
Vệ sinh thân thể sạch sẽ
Tắm gội sạch sẽ hằng ngày cho trẻ; thay quần áo cho trẻ mỗi khi bị ướt hay ra nhiều mồ hôi để tránh bị cảm lạnh, chốc lở, nhiễm nấm. Cho trẻ mặc áo quần thoáng mát, thấm hút mồ hôi.
Không được cho trẻ nghịch đất, cát; đi nằm sau khi vừa tắm xong.
Kiểm tra thường xuyên những vùng da kín của trẻ, đặc biệt khi trẻ có biểu hiện ngứa để phát hiện và điều trị sớm các bệnh ngoài da.
Uống nhiều nước
Mùa hè, thời tiết nắng nóng, mồ hôi tiết ra nhiều khiến cơ thể mất nhiều nước, vì thế cần cho trẻ uống đủ nước khi ở nhà hay đi học. Đặc biệt cần bổ sung cho trẻ những loại nước uống giàu khoáng chất, nhiều vitamin có trong các loại trái cây tươi.
Không uống nhiều nước đá hay ăn những thức ăn quá lạnh. Hạn chế sử dụng các loại nước đóng chai, nhất là nước có gas.
Đưa trẻ đi tiêm phòng theo đúng quy định
Hiện nay, một số bệnh truyền nhiễm ở trẻ em đã có vắc xin phòng bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng và trong tiêm chủng dịch vụ, các bậc phụ huynh cần lưu ý đưa trẻ đi tiêm các loại vắc xin đầy đủ, đúng lịch để chủ động phòng bệnh cho trẻ. Đây là biện pháp hiệu quả để chủ động phòng các bệnh truyền nhiễm.
Chú ý đến môi trường sống trong lành và an toàn
Để hạn chế lây các bệnh lý truyền nhiễm, cha mẹ cần chú ý đến môi trường sống thông thoáng, trong lành. Cần sắp xếp nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ để tránh sự phát triển của côn trùng, ruồi, muỗi hay các vi sinh vật có hại khác. Nơi ở cần phát quang môi trường, loại bỏ những nơi nước đọng nhằm ngăn chặn sự phát triển của muỗi vằn, vì nó là trung gian truyền bệnhsốt xuất huyết. Cần tập cho trẻ thói quen ngủ màn, tham gia phong trào diệt lăng quăng…
Chú ý khi dùng điều hòa, quạt
Việc ở phòng máy lạnh trong thời gian kéo dài (thường trên 4 tiếng), và nhiệt độ phòng quá lạnh sẽ khiến trẻ dễ mắc bệnh đường hô hấp. Trong đó hay gặp nhất là trẻ dễ bị viêm họng, viêm amiđan, viêm thanh quản, viêm mũi xuất tiết...; Trẻ bị sốt, ho, chảy nước mũi, nghẹt mũi...
Điều hòa nên đặt ở nhiệt độ 27-280C. Lưu ý, không để điều hòa quá thấp, chênh lệch nhiệt độ lớn so với môi trường bên ngoài. Khi đã ở trong phòng điều hòa thì không nên để trẻ chạy ra - vào phòng liên tục, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột cũng khiến trẻ dễ mắc bệnh.
Trẻ ở trong phòng lạnh, trước khi muốn ra ngoài nên từ từ mở rộng cửa, đợi 2-3 phút sau mới ra khỏi phòng để cơ thể có thời gian thích nghi với không khí bên ngoài.
Với trẻ sơ sinh, cha mẹ thì không nên để quạt quá gần (cách 2m trở lên), số nhỏ nhất và không nên để quạt thẳng vào mặt.
Phòng say nắng và say nóng
Không nên cho trẻ chơi đùa lúc nắng nóng, nhiệt độ cao, trời oi bức có thể sẽ dẫn đến sốc nhiệt, say nắng, mất nước...
Nếu phải ra ngoài trời cần phải mặc quần áo che kín da và đội nón rộng vành che phủ vùng cổ, gáy.
Không tắm biển hoặc sông, suối vào lúc còn nắng gắt.
Khi phát hiện trẻ bệnh, phụ huynh cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.