Mùa hè đến cũng là thời điểm xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm ở cả người lớn và trẻ nhỏ, để lại nỗi đau cho các gia đình và xã hội. Nguy cơ đuối nước không chỉ xảy ra ở biển, sông, ao, hồ,... mà còn có thể xảy ra ngay tại khuôn viên gia đình, trường học. Vì vậy, mỗi người cần biết các cách phòng chống đuối nước cũng như cách sơ cứu người bị đuối nước để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.
Đi học bơi - Cách phòng chống đuối nước hiệu quả
Bơi là kỹ năng sinh tồn cần phải biết ở nhiều người có đường bờ biển dài hay nhiều sông hồ như Việt Nam. Việc học bơi giúp bạn có thể ứng phó khi gặp tai nạn bất ngờ như té ngã xuống sông, hồ, ao, suối, hay gặp sóng lớn khi đi biển. Ngoài ra, việc học bơi còn giúp tăng cường sức bền và phát triển thể chất khỏe mạnh hơn để đủ thời gian chờ người đến cứu nếu bị đuối nước.
Luôn mang phao khi bơi ở vùng nước sâu
Khi đi bơi ở những vùng nước sâu, cần sử dụng phao bơi cứu sinh để đảm bảo an toàn. Đặc biệt là với trẻ em dưới 5 tuổi chưa biết bơi, cần được mặc áo phao khi di chuyển trên tàu, thuyền, hoặc khi tiếp xúc với hồ bơi, bãi biển,...
Với trẻ em dưới 2 tuổi, phụ huynh nên chọn kiểu phao vòng cổ để giữ phần đầu của bé nổi. Với trẻ em từ 3 tuổi trở lên đã có chiều cao và cơ thể phát triển, cha mẹ nên trang bị áo phao bơi phù hợp với vóc dáng của trẻ để nâng đỡ cơ thể trẻ một cách tốt nhất.
Nhiều cha mẹ vì muốn tiết kiệm mà mua áo phao size rộng cho trẻ để dùng được nhiều lần khi trẻ đang trong giai đoạn phát triển nhanh. Tuy nhiên, việc làm này lại hoàn toàn sai lầm. Một chiếc áo phao an toàn phải đảm đảm ôm sát cơ thể của trẻ và không cản trở động tác của trẻ khi ở dưới nước.
Hướng dẫn kỹ năng cấp cứu khi gặp người bị đuối nước
Người lớn nên nắm vững các biện pháp sơ cứu hà hơi thổi ngạt, hóc dị vật đường thở, có vết thương hở,... để kịp thời cấp cứu cho người thân, hạn chế những tổn thương. Thậm chí là cứu sống người thân trong gang tấc.
Đối với người bị tai nạn đuối nước, khi được đưa lên bờ, người cứu hộ phải thực hiện ngay các động tác hô hấp nhân tạo để khai thông đường thở cho nạn nhân, giúp người bị đuối nước thở trở lại.
Di chuyển trên sông, biển bằng phương tiện an toàn
Các gia đình thường có xu hướng đi du lịch tham quan ở các vùng biển, sông suối, hồ đẹp. Những chuyến đi này có nhiều nguy hiểm rình rập như tai nạn chìm thuyền, tàu. Vì vậy, nên ưu tiên chọn di chuyển trên các phương tiện đảm bảo độ an toàn và chắc chắn. Chọn phương tiện có nhiều lối thoát hiểm và trang bị đủ áo phao cứu sinh trong suốt hành trình.
Luôn mặc áo phao trong suốt quá trình di chuyển trên tàu, thuyền. Chú ý hướng dẫn sử dụng các thiết bị nổi, kêu cứu đúng quy định. Chỉ lên tàu, thuyền có đủ chỗ ngồi cho mình. Không chen lấn, xô đẩy khi lên và xuống tàu, thuyền. Ngồi tại chỗ và tuyệt đối tuân thủ các quy định về an toàn trên tàu.
Luôn để ý trẻ nhỏ trong tầm mắt
Trẻ nhỏ luôn rất hiếu động khi đi du lịch. Vì vậy, khi đưa con nhỏ đi chơi tận hưởng mùa hè, phụ huynh nên thường xuyên để mắt chú ý đến con, phòng tránh cho con bị tai nạn đuối nước hay chuột rút khi bơi. Đặc biệt, khi trẻ nhỏ đi bơi, phải luôn có bố mẹ quan sát và bơi bên cạnh.
Khởi động kỹ càng trước khi bơi
Trước khi đi bơi, cần thực hiện đầy đủ các động tác khởi động. Việc khởi động sẽ giúp làm nóng cơ bắp, giảm tránh được các rủi ro như bị chuột rút, hay đuối nước khi đang bơi. Bên cạnh đó, thời gian buổi sáng sớm nước thường vẫn còn rất lạnh, cần phải khởi động đầy đủ trước khi xuống nước để làm ấm cơ thể tránh bị cảm lạnh.
Cha mẹ nên lưu ý không cho trẻ xuống nước bơi khi vừa mới ăn no, hoặc trong lúc đang đói. Bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá của trẻ, hoặc dễ gặp phải bất thường xảy ra trong quá trình bơi lội. Tốt nhất nên đi bơi sau khi ăn 1 giờ đồng hồ.
Không đi bơi khi sóng biển lớn, sông có thác chảy xiết
Sóng biển lớn hoặc dòng nước chảy xiết khiến chúng ta khó có thể tập trung để bơi vào bờ. Sức người không đủ khả năng để chống chịu với sức nước lớn. Vì thế dễ dẫn đến đuối sức và bị nước cuốn trôi. Vì vậy, nếu thấy sóng biển lớn, hoặc dòng nước chảy xiết thì tuyệt đối không nên đi bơi, đi tắm để đảm bảo an toàn.
Chỉ cho trẻ bơi ở hồ nước cạn
Trẻ em nên được cho bơi ở bên phần bể có độ sâu phù hợp với chiều cao của lứa tuổi. Khi trẻ xuống hồ bơi, cần xuống dần dần bằng cả hai chân để làm quen với nhiệt độ nước.
Hồ bơi không vệ sinh hoặc ít khử trùng có thể gây viêm da ở trẻ. Vì vậy, cha mẹ nên chọn bể bơi được khử trùng tốt, nước trong và xanh, có lượng người bơi vừa phải.
Tuyệt đối không để mặc trẻ một mình tự do bơi lội ở những vùng nước biển, sông, hồ. Đặc biệt là những vùng nước tự nhiên mới, ít người lui tới.
Kỹ năng tự cứu khi gặp đuối nước
Khi thấy mình bị đuối sức, không thể bơi tiếp thì cần bình tĩnh thả lòng để người nổi lên. Sau đó, khi đầu đã nổi lên trên mặt nước thì bắt đầu hít một hơi thật dài. Lựa bơi theo dòng nước để thoát ra khỏi chỗ xoáy, chỗ sâu rồi mới bơi vào bờ. Kêu cứu thật to để những người xung quanh biết để kịp thời hỗ trợ cũng là cách phòng chống đuối nước tử vong cần làm.
Khi thấy người thân bị đuối nước, kêu thật to để những người xung quanh biết. Vứt dây, đưa sào dài hoặc ném phao để người đang đuối nước tóm lấy rồi kéo mạnh vào bờ. Không nên nhảy xuống nước cứu người nếu không có kỹ thuật bơi tốt.
Thực hiện an toàn phòng chống đuối nước ở nhà và khu dân cư
Lập rào chắn, biển cảnh báo xung quanh bờ sông, hồ, ao, kênh, rạch và rãnh nước xung quanh nhà. Làm cổng có cửa chắn khi nhà ở gần sông hồ. Luôn đậy kín miệng giếng, bể, lu nước,… bằng vật liệu cứng chắc, trẻ em đứng lên không bị gãy, lọt hố. Luôn có người lớn giám sát trẻ khi chơi gần khu vực sông, hồ, ao nước sâu.
Đuối nước nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được nguy cơ này trong kỳ nghỉ hè, khi trẻ đi du lịch. Trên đây là các cách phòng chống đuối nước được khuyến nghị cần biết để giúp các gia đình hạn chế xảy ra các tai nạn đuối nước thương tâm.