Trẻ tự kỷ hay ăn vạ không phải là tình trạng hiếm gặp. Nguồn ảnh: Raising Children Network
1. Phân biệt hành vi ăn vạ và bùng nổ cảm xúc ở trẻ tự kỷ
Để có thể xoa dịu một đứa trẻ tự kỷ hay ăn vạ, chúng ta cần phân biệt giữa ăn vạ và sự bùng nổ cảm xúc. Nhìn bề ngoài, hai tình trạng này trông có vẻ giống nhau. Tuy nhiên thực sự chúng lại rất khác nhau.
1.1. Trẻ tự kỷ hay ăn vạ
Hành vi ăn vạ do một cơn thịnh nộ theo độ tuổi thường là hành vi có chủ ý của trẻ, dù là trẻ bình thường hay trẻ tự kỷ. Đó là cách trẻ bày tỏ sự thất vọng của mình khi không đạt được một điều gì đó theo ý muốn. Tuy nhiên, cách ăn vạ ở mỗi trẻ là khác nhau.
Hành vi ăn vạ có thể được giải quyết thông qua một phản ứng nhất định. Nó cũng có xu hướng biến mất khi trẻ lớn hơn.
Đặc điểm của hành vi ăn vạ ở trẻ:
- Đối tượng dẫn tới hành vi ăn vạ : khi bị phớt lờ, hoặc khi đạt được thứ mình muốn, hành vi ăn vạ của trẻ thường sẽ dừng lại.
- Bản chất của hành vi ăn vạ : cơn thịnh nộ dẫn tới hành vi ăn vạ của trẻ thường bắt nguồn từ cảm giác tức giận hoặc thất vọng.
- Mục tiêu của hành vi ăn vạ : cơn giận dữ của trẻ có thể được định hướng theo mục tiêu. Điều này có nghĩa là trẻ ăn vạ nhằm đạt được điều mình muốn. Đó có thể là một món đồ chơi, là việc không thực hiện một thói quen nào đó, hay là ý muốn chỉ ăn một loại thực phẩm nhất định. Những cơn giận dữ này có thể xảy ra thường xuyên hơn khi trẻ mệt mỏi hoặc thấy không khỏe. Nhưng nhìn chung là có một mục tiêu đằng sau nó.
Ăn vạ thường là hành vi có mục đích của trẻ. Nguồn ảnh: Verywell Health
1.2. Sự bùng nổ cảm xúc ở trẻ tự kỷ
Chúng ta cần biết rằng trẻ tự kỷ bị rối loạn phát triển do bất thường ở não bộ. Trẻ thường không kiểm soát được hành vi và cảm xúc của mình. Bên cạnh đó, trẻ cũng rất dễ bị các yếu tố bên ngoài kích thích làm cho tình trạng mất kiểm soát trở nên trầm trọng hơn.Phản ứng khi bị bùng nổ cảm xúc khác với trẻ tự kỷ hay ăn vạ. Tình trạng này xảy ra khi trẻ bị các kích thích bên ngoài dẫn đến quá tải và phải tìm cách để giải tỏa chúng.
Đặc điểm cơn bùng nổ cảm xúc ở trẻ tự kỷ:
- Đối tượng dẫn đến tình trạng bùng nổ cảm xúc : trẻ tự kỷ có thể bị một yếu tố ngẫu nhiên nào đó kích thích. Điều này thậm chí có thể xảy ra khi trẻ ở một mình. Khác với hành vi ăn, những chiến lược như ôm, khuyến khích hoặc đánh lạc hướng có thể lại phản tác dụng đối với tình trạng này.
- Bản chất của sự bùng nổ cảm xúc ở trẻ tự kỷ : là cách trẻ giải tỏa cảm xúc của mình khi bị các yếu tố bên ngoài tác động.
- Mục đích của sự bùng nổ cảm xúc : trẻ không kiểm soát được sự quá tải cảm xúc nên để chúng bùng nổ là cách phản ứng của con.
Bùng nổ cảm xúc là khi trẻ bị quá tải và muốn tìm cách giải tỏa. Nguồn ảnh: Raising Children Network
2. Phân biệt biểu hiện của trẻ tự kỷ hay ăn vạ và sự bùng nổ cảm xúc như thế nào
2.1. Biểu hiện của trẻ tự kỷ hay ăn vạ
Trẻ tự kỷ hay ăn vạ sẽ có biểu hiện khác nhau tùy mỗi trẻ. Chúng có thể là những cơn giận dữ bùng nổ với các hành vi vô tổ chức do sự thất vọng gây ra.
Khi nổi cơn thịnh nộ, trẻ có thể khóc, gồng cứng người, la hét, đá vào những thứ xung quanh, ngã người xuống hoặc bỏ chạy. Một số trẻ nín thở, thậm chí có trẻ còn bị nôn.Trẻ có khả năng phá vỡ mọi thứ xung quanh nhà. Trẻ tự kỷ có thể trở nên hung dữ khi chúng nổi cơn thịnh nộ.
Đây là cách mà trẻ tự kỷ bày tỏ sự thất vọng của mình với những thách thức mà chúng đang phải đối mặt.
Một cơn khát, đói hay mệt mỏi có thể dễ dàng khiến trẻ tự kỷ nổi cơn thịnh nộ. Khi thất thất vọng trẻ sẽ tức giận. Và khi tức giận, trẻ có thể nổi cơn tam bành.
2.2. Biểu hiện của trẻ tự kỷ bị bùng nổ cảm xúc
Trẻ tự kỷ bị bùng nổ cảm xúc có biểu hiện khác nhau tùy vào mỗi trẻ. Các hành vi phổ biến thường gồm: thu mình lại, bất động, mất tập trung, nhìn chằm chằm vào không trung, chuyển động lặp đi lặp lại, khóc không kiểm soát, la hét, gầm gừ, cắn, cuộn tròn người như quả bóng.
Nhiều trẻ tự kỷ sẽ có dấu hiệu báo trước khi cơn bùng nổ cảm xúc sắp đến. Chúng có thể tự tìm cách để giảm căng thẳng bằng các hành vi:
- Bắt đầu đi lại.
- Đặt những câu hỏi lặp đi lặp lại.
- Đá qua đá lại.
- Trở nên im lặng khác thường.
Đây có khả năng là cánh cửa để bạn giúp trẻ phòng tránh một cơn khủng hoảng.
Trẻ tự kỷ bị bùng nổ cảm xúc có biểu hiện khác nhau tùy vào mỗi trẻ. Ảnh Pixabay
3. Làm thế nào để bạn xoa dịu một đứa trẻ tự kỷ hay ăn vạ và cơn bùng nổ cảm xúc của trẻ
3.1. Xoa dịu một đứa trẻ tự kỷ hay ăn vạ như thế nào
Để có thể xoa dịu một đứa trẻ tự kỷ hay ăn vạ, trước hết bạn cần phân biệt cơn thịnh nộ dẫn đến ăn vạ với một cơn bùng nổ cảm xúc.Tiếp theo, bạn hãy cố gắng xác định nguyên nhân khiến trẻ giận dữ và động cơ của cơn ăn vạ. Trẻ có thể muốn một thứ gì đó, đồ chơi hay sự chú ý của bạn. Bạn hãy cố nhận diện nhưng đừng đáp ứng trẻ.
Đôi khi, việc đưa đối tượng khiến trẻ ăn vạ ra khỏi môi trường lại có tác dụng tích cực. Nếu trẻ có xu hướng hay ăn vạ ở nơi đông người, bạn hãy dạy trẻ cơ chế đối phó bắt đầu từ những cuộc tụ tập nhỏ.
Bạn cũng có thể thử rời khỏi môi trường gần trẻ nhưng vẫn ở nơi mà con có thể thấy bạn. Nó cũng có khả năng giúp giảm bớt và chấm dứt cơn giận dữ của con.
Bạn cũng hãy khen ngợi những hành vi và biểu hiện tốt để khuyến khích trẻ . Cũng như giúp con xây dựng các kỹ năng cần thiết, đặc biệt liên quan đến:
- Kiểm soát xung động.
- Truyền đạt mong muốn và nhu cầu.
- Tự xoa dịu bản thân.
- Tự giải quyết vấn đề.
- Trì hoãn sự hài lòng.
- Thương lượng.
Bạn có thể dạy trẻ thực hành các kỹ năng sau khi cơn thịnh nộ của con chấm dứt.
Bạn hãy xác định động cơ của hành vi ăn vạ ở trẻ để có cách xử lý thích hợp. Nguồn ảnh: Raising Children Network
3.2. Bạn có thể làm gì để làm dịu cơn bùng nổ cảm xúc của trẻ
Để có thể xoa dịu cơn bùng nổ cảm xúc của một đứa trẻ tự kỷ, điều đầu tiên bạn cần làm là xác định nguyên nhân dẫn đến sự quá tải cảm xúc của trẻ. Qua đó, bạn sẽ phòng ngừa được tình trạng này của trẻ ở những lần sau. Bạn nên có một quyển nhật ký để theo dõi những cơn bùng nổ của trẻ vào những thời điểm hay những không gian cụ thể.3.2.1. Chiến lược giúp bạn xoa dịu cơn bùng nổ cảm xúc ở trẻ tự kỷ
Bạn có thể áp dụng một số chiến lược sau:
- Tạo một thói quen giúp trẻ bình tĩnh . Dù rằng một cuộc bùng nổ cảm xúc đã khiến trẻ tiêu hao rất nhiều năng lượng, bạn vẫn nên thử giúp trẻ tạo một thói quen có thể giúp con bình tĩnh. Điều này có thể bao gồm cho trẻ xem một số hình ảnh mà con thích. Hoặc chuẩn bị cho con một cái chăn có trọng lượng mà con thích.
- Đảm bảo sự an toàn xung quanh trẻ và bạn . Trong cơn khủng hoảng, trẻ tự kỷ có thể làm đau chính mình hoặc người xung quanh dù không chủ đích làm như vậy. Các hành vi phổ biến có thể gây đau khi trẻ ở tình trạng này gồm: đập/ đánh vào đầu mình, đánh hoặc cắn bạn. Bạn hãy chủ động chuẩn bị một không gian an toàn cho cả trẻ và bạn để con trải qua cơn bùng nổ của mình.
Bạn hãy chủ động chuẩn bị một không gian an toàn cho cả trẻ và bạn. Ảnh Pixabay
- Trang bị một quyển sổ theo dõi . Bạn hãy ghi chú lại những thời điểm, nơi chốn mà trẻ hay có biểu hiện quá tải cảm xúc để có thể phòng tránh chúng trong tương lai. Việc này sẽ giúp bạn nhận biết các nguyên nhân có thể châm ngòi cho cơn bùng nổ của con và ngăn chặn trước khi nó xảy ra.
- Bạn cũng cần giữ bình tĩnh . Điều quan trọng là bạn không gây thêm áp lực cho trẻ bằng thái độ của mình. Dù vô cùng khó khăn, nhưng bạn cần biết rằng những cơn bùng nổ cảm xúc là một phần của trẻ tự kỷ và bạn nên học cách đối mặt với chúng.
- Sử dụng đồ vật . Đôi khi các món đồ chơi, đồ vật quen thuộc có thể giúp xoa dịu trẻ.
- Đừng quá cứng nhắc . Bạn đừng nên cố lý luận với trẻ khi con đang trải qua cơn khủng hoảng. Trẻ đang phải đối mặt với sự căng thẳng và không thể lý giải cho đến khi mọi thứ kết thúc. Bạn hãy thật kiên nhẫn nhé.
- Bạn hãy luôn ở gần trẻ . Đối với trẻ tự kỷ đang bị bùng nổ cảm xúc, bạn hãy luôn ở gần trong trường hợp con cần bạn khi đang bị khủng hoảng. Bạn hãy giữ vẻ mặt và thái độ thật bình tĩnh.
3.2.2. Xử lý cơn bùng nổ cảm xúc của trẻ ở nơi công cộng khác với trẻ tự kỷ hay ăn vạ và như thế nào
Trước tiên, bạn hãy lưu ý rằng trẻ bị bùng nổ cảm xúc không phải để khiến bạn tức giận hay chú ý. Đơn giản là con muốn giải phóng sự căng thẳng khỏi cơ thể khi bị choáng ngợp với cảm xúc hay kích thích cảm giác. Đối với trẻ tự kỷ hay ăn vạ, khi được đáp ứng hay bị từ chối/ bỏ qua nhu cầu/ yêu cầu, cơn ăn vạ của trẻ có thể kết thúc. Tuy nhiên, cơn bùng nổ cảm xúc ở trẻ lại khác. Nếu bạn áp dụng cùng một cách như trẻ tự kỷ hay ăn vạ, tình huống có thể trở nên tồi tệ hơn.
Bạn hãy luôn đồng cảm với trẻ và giúp con thấy mình được lắng nghe. Nguồn ảnh: CDC Blogs
Có một số cách có thể hỗ trợ hiệu quả cho trẻ khi con gặp khó khăn ở nơi công cộng. Chúng bao gồm:
- Trang bị cho trẻ kỹ năng đối phó . Bạn không thể giúp gì khi cơn khủng hoảng của trẻ đang diễn ra. Nhưng sau đó, bạn có thể dạy con cách điều tiết cảm xúc. Hãy thử các hoạt động nhẹ nhàng thư giãn như đi dạo. Chúng có thể giúp trẻ bình tĩnh lại ngay cả trước khi cơn bùng nổ xảy ra.
- Hãy tạo cho trẻ cảm giác an toàn và được yêu thương . Việc cố gắng nói chuyện để kéo trẻ khỏi cơn phiền muộn không phải là chiến lược hiệu quả với trẻ tự kỷ. Thay vì vậy, bạn hãy ở đó vì trẻ, càng gần càng tốt nếu con thấy thoải mái. Bạn đừng để trẻ một mình tự vượt qua cơn khủng hoảng mà không thể tìm thấy ai ở cùng mình. Điều này có thể gửi một thông điệp rằng trẻ không xứng đáng được ở bên những người trẻ yêu thương khi khó khăn xảy ra.
- Hãy đồng cảm với trẻ . Bạn hãy lắng nghe và cho trẻ biết bày tỏ cảm xúc là bình thường, và đôi khi nó có thể trở nên quá tải. Nếu trẻ cảm thấy mình đang được lắng nghe con sẽ thấy trải nghiệm của mình đã được công nhận. Bạn hãy cố gắng giúp trẻ thể hiện cảm xúc một cách an toàn.
- Bạn đừng nên phạt trẻ . Áp dụng hình phạt với trẻ tự kỷ sẽ không giúp ích gì cho cả bạn và trẻ. Bản thân trẻ không thể kiểm soát được sự bùng nổ cảm xúc của mình nên con không nên bị phạt. Bạn hãy cho trẻ cơ hội và không gian để tự nhận ra cảm xúc của mình. Cũng như bạn cho trẻ thấy bạn luôn ở bên để ủng hộ và giúp đỡ con.
- Chuẩn bị một số dụng cụ hoặc đồ chơi khi bạn ra ngoài . Những món đồ chơi liên quan đến các giác quan có thể khiến tâm trí trẻ bận rộn và được giải tỏa khi con bị bùng nổ cảm xúc. Tuy nhiên bạn đừng cố ép trẻ sử dụng chúng nếu con không muốn.
Bạn nên chuẩn bị một số dụng cụ hoặc đồ chơi khi bạn ra ngoài. Ảnh Pixabay
4. Các dụng cụ, đồ chơi có thể giúp ích cho trẻ tự kỷ bị bùng nổ cảm xúc
Trẻ tự kỷ bị bùng nổ cảm xúc có thể được xoa dịu bởi những vật dụng sau:
- Tai nghe chống tiếng ồn . Đây là vật giúp trẻ tự kỷ bình tĩnh khi gặp phải tiếng ồn quá lớn.
- Kính râm . Nếu trẻ bị nhạy cảm với ánh sáng, thì kính râm sẽ rất hữu ích khi bạn cùng con ra ngoài.
- Chăn/ khăn nặng. Một lực nặng tương đối là yếu tố có thể giúp trẻ tự kỷ thấy bình tĩnh hơn.
- Đồ ăn vặt dai hoặc giòn . Chúng có thể giúp hỗ trợ cảm thụ đầu vào bằng miệng với tác dụng làm dịu.
- Đồ chơi thần tài . Đây là những công cụ đơn giản với hành động lặp đi lặp lại. Chúng có thể giúp trẻ bình tĩnh khi con bị kích động.
- Kem dưỡng da tay có mùi thơm . Nếu mùi ở môi trường xung quanh quá nặng so với trẻ, bạn có thể bôi kem dưỡng da tay với mùi hương mà trẻ thích để con thấy dễ chịu hơn.
- Khăn lau tay . Những trẻ tự kỷ có làn da nhạy cảm có thể bị kích ứng khi vô tình chạm vào thứ gì đó. Những chiếc khăn không mùi có thể giúp ích trong trường hợp này.
Tai nghe chống tiếng ồn giúp trẻ bình tĩnh dễ dàng hơn khi con gặp phải tiếng ồn quá lớn. Ảnh Pixabay
Trẻ tự kỷ hay ăn vạ có thể bị nhầm lẫn với tình trạng bùng nổ cảm xúc của trẻ. Bạn cần hiểu chúng để áp dụng các phương pháp thích hợp vì cách xử lý hai tình huống này hoàn toàn khác nhau. Điều quan trọng là bạn phải kiên nhẫn và luôn ở bên cạnh trẻ để giúp trẻ vượt qua cuộc chiến với chính bản thân con.
Theo Otsimo
Lily Nguyễn lược dịch