Điều trị cho trẻ mắc sốt xuất huyết (Ảnh minh họa)
Hỏi: Tôi nghe nói sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ sẽ nguy hiểm hơn ở người lớn. Xin hỏi bác sĩ, khi trẻ sốt xuất huyết thì cần lưu ý chăm sóc, điều trị ra sao?
Trần Mai Hiền (Hà Nội)
Trả lời:
Sốt là biểu hiện ban đầu của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em, trẻ bị sốt cao 39 – 40 độ C một cách bất thường và kéo dài liên tục từ 2 – 7 ngày. Nếu trẻ ở độ tuổi lớn hơn sẽ cảm thấy đau đầu, chán ăn, buồn nôn, đau nhức hai hốc mắt, ra máu cam, ra máu chân răng.
Thực hiện xét nghiệm máu ở giai đoạn này thường không phản ánh rõ ràng tình trạng bệnh, đa số dung tích hồng cầu ở mức bình thường, lượng bạch cầu giảm, lượng tiểu cầu bình thường hoặc giảm dần.
Sau 3 – 7 ngày trẻ sẽ bước vào giai đoạn nguy hiểm, trẻ có thể bị sốt hoặc giảm sốt. Chú ý biểu hiện xuất huyết do tiểu cầu giảm, có thể xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc và nặng nhất là xuất huyết nội tạng, suy đa phủ tạng…
Để chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà đúng cách, cha mẹ cần lưu ý, đầu tiên, khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu của sốt xuất huyết cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị.
Tuy nhiên, trong những trường hợp bình thường vẫn có thể điều trị tại nhà theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
Cụ thể: Cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo đơn kê của bác sĩ, nên để trẻ mặc đồ thoáng mát. Không nên tự ý sử dụng các loại thuốc có chứa ibuprofen hoặc aspirin vì có khả năng gây xuất huyết hoặc toan máu; Động viên trẻ uống nước điện giải, uống nhiều nước sôi để nguội, trong trường hợp bé không thích thì có thể cho trẻ uống các loại nước trái cây như nước dừa, nước cam…; Chia nhỏ số bữa ăn trong ngày với chế độ dinh dưỡng hợp lý, chế biến đồ ăn dễ tiêu hóa; Nên cho trẻ nghỉ ngơi nhiều và hạn chế hoạt động.
Trong trường hợp cơ thể trẻ không hợp tác thì cha mẹ nên đưa trẻ đến điều trị tại trung tâm y tế.
Trong trường hợp có những dấu hiệu như vật vã, nôn ói, da xung huyết, tứ chi lạnh, đau bụng nặng, xuất huyết tiêu hóa… cần đưa trẻ tới bệnh viện càng sớm càng tốt.
Tác giả: BS. TRẦN KIM NGỌC