1. Bản chất của sự phát triển tâm lý trẻ em
Không như độ tuổi lớn hẳn, trẻ mầm non có những đặc điểm tính cách, tâm sinh lý vô cùng nhạy cảm. Do đó, cha mẹ cần hiểu bản chất của sự phát triển tâm lý trẻ em để có những cách nuôi dạy con được tốt.
1.1 Trẻ mầm non hay tò mò và thích khám phá
Có một đặc điểm chung của mọi đứa trẻ mầm non là luôn thích khám phá mọi thứ và đặt những câu hỏi vì sao, tại sao với người lớn. Bởi những điều mới mẻ luôn kích thích sự tò mò và khả năng khám phá của con.
Mặc dù nhiều cha mẹ cảm thấy khá khó chịu và luôn bực bội trước nhiều câu hỏi của con nhưng lúc này hãy cố gắng kiên trì để con mình được thỏa mãn sở thích và phát triển theo đúng lứa tuổi vốn có. Bên cạnh đó cha mẹ cũng nên vui mừng khi con đặt nhiều câu hỏi, bởi đã có những nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ thích khám phá học hỏi là những trẻ có tư duy tốt, chỉ số thông minh cao nên rất có lợi cho cuộc sống sau này.
1.2 Trẻ mầm non thích được người lớn dành sự quan tâm
Dù công việc có bận mải hay mẹ có thêm em thì cũng hãy luôn chú ý dành cho con sự quan tâm nhất định. Khi trẻ không được cha mẹ thường xuyên vỗ về con sẽ cảm thấy lạc lõng và trở nên sống khép kín, ít chia sẻ hơn. Lúc này trong tư duy con có thể hình thành nên suy nghĩ cha mẹ không yêu con. Vì thế hãy luôn làm bạn cùng con trong mọi hoàn cảnh mẹ nhé!
1.3 Con bắt đầu phát triển kỹ năng giao tiếp
Trong sự hình thành và phát triển tâm lý cho thấy, độ tuổi mầm non, trẻ đã bắt đầu có những kỹ năng giao tiếp và phản ứng rõ rệt hơn về mặt ngôn ngữ. Lúc này con đã có khả năng quan sát mọi thứ xung quanh và thường bắt chước lại ngôn ngữ của những bộ phim hoạt hình, cha mẹ hay chính ông bà giao tiếp hàng ngày. Việc giao tiếp về mặt ngôn ngữ giúp con hoàn thiện được kỹ năng giao tiếp của bản thân được tốt hơn.
Vì thế trong gia đình cha mẹ hãy chú ý nhiều hơn đến cách dùng từ khi nói chuyện với nhau, bởi con sẽ rất nhanh học theo và có những hành động, lời nói tương tự.
1.4 Trẻ mầm non hình thành tính tự lập
Dạy con tự lập ngay từ khi còn nhỏ là cách dạy con phổ biến được các bà mẹ Nhật áp dụng. Theo đó, trẻ sẽ phải tự ăn, tự đi toilet, tự đánh răng rửa mặt... Việc này không chỉ giúp trẻ hình thành những đức tính tốt mà còn giúp con trang bị được cho mình nhiều kỹ năng sống khác nhau. Do đó, trong giai đoạn này cha mẹ không nên quá bao bọc hay làm giúp con những việc mà trẻ nên làm. Người lớn nên để con tự làm theo ý mình, chú ý quan sát và dành cho con những lời khuyên hay hướng dẫn con để bé hiểu rõ hơn.
2. Cha mẹ có thể làm gì để hỗ trợ trẻ lứa tuổi mầm non?
Thực tế việc hiểu bản chất của sự phát triển tâm lý trẻ em vốn rất quan trọng, bởi thông qua đây cha mẹ sẽ hiểu được con mình đang cần gì và bé thiếu hụt gì để qua đó có những hỗ trợ tốt. Và để con có thể hoàn thiện tốt hơn về chính mình cha mẹ nên có những cách hỗ trợ con như sau:
Lập những kế hoạch cho con: Lập kế hoạch trong bất cứ điều gì cũng mang đến những hiệu quả riêng và trong việc nuôi con cũng không ngoại lệ. Cha mẹ có thể lập kế hoạch một cách có chủ đích các hoạt động để thông qua đó đánh giá con bạn đang như thế nào. Ví dụ, quan sát xem con mình phản ứng với những việc không không thích ra sao, con giao tiếp với người lớn, bạn bè như thế nào để từ đó có những điều chỉnh sao cho phù hợp.
Hãy lắng nghe con nhiều hơn: Chắc chắn trong quá trình nuôi dạy con sẽ có lúc cha mẹ cáu gắt, la mắng khi con tỏ ra bướng bỉnh hoặc có những hành động không đúng. Tuy nhiên, điều quan trọng là mẹ, cha hãy cố gắng kiềm chế cơn nóng giận và chia sẻ cùng con để nói con hiểu vì sao bé cần làm thế này và không nên làm thế kia. Việc chỉ bảo thường sẽ không mang đến hiệu quả ngay tức thì, vì thế cha mẹ cần hết sức kiên nhẫn và bình tĩnh với con.
Có thể thấy, đặc điểm tâm sinh lý trẻ mầm non là có những thay đổi về thể chất, kỹ năng, tâm lý và hiển nhiên đây là một phần của quá trình phát triển của trẻ. Vì thế, điều quan trọng vẫn là cha mẹ cần hiểu và dành cho con sự quan tâm nhiều hơn để con có một môi trường lý tưởng để phát triển tốt những năm tháng đầu đời.