1. Khí !important;ch lệ trẻ rèn luyện tính tự lập
Việc rèn luyện tính tự lập cho trẻ từ sớm không chỉ góp phần giúp trẻ phát triển và hoàn thiện nhân cách, mà còn có tác dụng lớn trong quá trình trẻ đi học tại trường Mầm non. Ở lứa tuổi này, các con luôn háo hức khi được tự mình làm mọi thứ. Vì vậy, điều quan trọng là cha mẹ cần tạo nhiều cơ hội để con có thể phát triển tính nề nếp và độc lập của mình, ví dụ:
Cho con tự chọn ba lô và quần áo đi học cho ngày đầu tiên, để con cảm thấy mình có quyền tự chủ và con đã “lớn khôn” để đi học tại trường Mầm non.
Tạo cơ hội cho trẻ rèn luyện những kỹ năng tự phục vụ dành cho trẻ mầm non tùy vào mức độ sẵn sàng của lứa tuổi, ví dụ như tự rửa tay, tự xúc ăn, cởi dép…
Giao công việc nhà phù hợp theo lứa tuổi giúp trẻ có tính nề nếp và nhận biết rằng đóng góp của mình dù là nhỏ cũng rất có ý nghĩa và quan trọng. Trẻ được giao việc nhà phù hợp từ nhỏ cũng có xu hướng thể hiện hành vi xã hội tích cực hơn.
2. Chuẩn bị sẵn sàng về mặt tâm lý
Trước ngày đi học một vài tuần, cha mẹ có thể đồng hành cùng trẻ trong một số hoạt động dưới đây, để giúp con sẵn sàng hơn về mặt tâm lý và cân bằng cảm xúc trước khi tới lớp.
Tham quan trường & trò chuyện với con về trường: Nếu có điều kiện, cha mẹ nên cùng trẻ tới thăm trường trước ngày con đi học, cùng chơi và khám phá lớp để trẻ cảm thấy quen thuộc hơn. Ngoài ra, trò chuyện với trẻ về trường thông qua những bức ảnh lớp học cũng là một cách tuyệt vời, trẻ có thể được thu hút về những hình khối hấp dẫn, khu vui chơi rộng rãi, trang phục đóng kịch ngộ nghĩnh…
Trường Mầm non Vinschool cũng thường xuyên tổ chức các buổi thăm quan định hướng, vừa giúp cha mẹ và con có thể cùng quan sát và trải nghiệm những hoạt động chơi và học, vừa để trẻ làm quen với thầy cô mà con sẽ gặp tại lớp.
Chơi trò chơi “lớp học ở nhà”: Cha mẹ có thể mở “lớp học tại nhà” để trẻ quen với không khí trường học. Khi đó, cha/mẹ và con thay phiên nhau làm “cô giáo”, đọc truyện, hát múa… để tạo ấn tượng cho trẻ về trường học là một nơi vui vẻ, và giảm bớt lo lắng vào những ngày đầu tiên.
Chia sẻ kinh nghiệm của chính mình: Cha mẹ có thể kể cho trẻ nghe về kỷ niệm đặc biệt khi đi học mầm non của mình, thông qua những hình ảnh hồi bé, hoặc khi trò chuyện với ông bà nội/ngoại để trẻ cảm thấy đáng tin cậy hơn.
Đọc sách về trường Mầm non: Có rất nhiều sách về việc đi học mầm non có thể cùng đọc với con trong mùa hè trước khi bắt đầu năm học. Cha mẹ hãy mở rộng thêm thông qua việc đặt câu hỏi về cảm xúc của các nhân vật, và hỏi về cảm xúc của trẻ khi nghe câu chuyện ấy.
Lắng nghe những lo lắng của con: Trẻ rất cần được biết rằng mọi lo lắng của mình đều được lắng nghe, và khi đón nhận cảm xúc của con, cha mẹ hãy trấn an để con hiểu rằng, việc cảm thấy vui, buồn, phấn khích, sợ hãi hoặc lo lắng là điều bình thường khi chuẩn bị bắt đầu một trải nghiệm mới. Ngoài ra, mặc dù việc đi học là một dịp trọng đại nhưng cũng không nên nhắc đến một cách thái quá vì có thể khiến trẻ lo lắng hơn là háo hức đến trường.
Lên kế hoạch “tạm biệt”: Tới lúc chuẩn bị đi học, thời điểm “tạm biệt” nên được diễn ra tích cực và không quá lâu, cha mẹ hãy nhắc nhở con rằng mình sẽ gặp lại vào buổi chiều – và giữ lời hứa của mình, cũng như không nên nói dối như “Ba/mẹ chỉ đi một chút thôi” vì sẽ khiến trẻ mong ngóng nhiều hơn.
3. Luyện tập kỹ năng đi vệ sinh
Hầu hết trẻ có thể bắt đầu tập ngồi bô từ 18 đến 30 tháng, vậy nên các kỹ năng đi vệ sinh được khuyến nghị nên được luyện tập từ sớm. Tất nhiên, việc luyện tập phụ thuộc vào sự sẵn sàng của trẻ, và những kỹ năng mới luôn phát huy hiệu quả nhất khi trẻ đang cảm thấy được thư giãn và có thói quen đều đặn. Vậy nên, cha mẹ cần sắp xếp một khoảng thời gian để trẻ tạo thói quen (ví dụ nên tránh thời điểm đi du lịch, chuyển nhà, sắp có em bé mới,..). Tại trường Mầm non Vinschool, các giáo viên khối lớp nhà trẻ vẫn hỗ trợ học sinh trong việc mặc bỉm và sau đó giúp con tập bỏ dần để có thể tự đi vệ sinh.
4. Luyện tập các kỹ năng xã hội và kỹ năng giao tiếp
Các kỹ năng xã hội và giao tiếp cần thiết cho trẻ mầm non bao gồm: biết cách cư xử, biết chia sẻ, chờ tới lượt, chơi với các bạn, chơi đóng vai… Khi ở nhà, cha mẹ có thể bắt đầu dạy trẻ các kỹ năng cư xử, biết làm theo chỉ dẫn, không nên ngắt lời, biết xin phép, cảm ơn và xin lỗi… để giúp con học cách tôn trọng và quan tâm đến những người xung quanh, cùng đồng hành với những kỹ năng giao tiếp xã hội mà con sẽ được thực hành ở trên lớp.
Thời điểm sắp vào năm học mới này, chắc hẳn các bậc phụ huynh và các bạn học sinh sắp lần đầu tới trường đang rất háo hức và xen lẫn lo lắng, các con chuẩn bị bước những bước chân đầu tiên trên hành trình mở rộng kỹ năng xã hội, và có cả một thế giới mới để khám phá. Chắc chắn khi có được sự chuẩn bị về tâm lý và những kỹ năng như trên, các bạn nhỏ sẽ có cho mình hành trang tự tin hơn cho trải nghiệm tới lớp mới mẻ và nhiều điều lý thú này.