Thời tiết mùa hè nóng nực, nhiệt độ tăng cao kết hợp với mưa nhiều là thời điểm lý tưởng để các loại vi khuẩn, virus sinh sôi và phát triển. Dưới đây là 3 bệnh thường bùng phát và lây lan rất nhanh vào mùa hè. Mọi người cần biết cách phòng tránh.
Đau mắt đỏ
Thời gian ủ bệnh đau mắt đỏ trung bình khoảng 8 ngày và thời gian phát bệnh kéo dài vài ngày, vài tuần hoặc lâu hơn tùy thuộc vào nguyên nhân và phương pháp điều trị. Bệnh có thể gặp ở mọi giới, mọi lứa tuổi và dễ lây. Các nguyên nhân và triệu chứng đau mắt đỏ thường gặp như:
Do virus: Đây là nguyên gây bệnh hay gặp nhất với các triệu chứng ra ghèn dây, ngứa, chảy nước mắt do cộm, sưng mi, thị lực giảm, chói sáng khi biến chứng khô mắt. Bệnh rất dễ lây khi tiếp xúc trực tiếp với nước mắt bệnh nhân; ho, hắt hơi khi viêm họng hay cảm cúm đi kèm.
Do vi khuẩn: Thường là do vi khuẩn Staphylococcus. Bệnh có thể gây ra những tổn thương nặng nếu không được điều trị kịp thời. Các triệu chứng thường gặp như ghèn vàng hay màu vàng xanh nhạt gây dính 2 mi mắt khi thức dậy vào buổi sáng, ngứa và chảy nước mắt, nếu bệnh nặng có thể gây viêm loét giác mạc, giảm thị lực không phục hồi. Bệnh lây qua dịch tiết nước mắt hoặc vật dụng dính dịch tiết mắt.
Do dị ứng: Như bụi, lông vật nuôi, phấn hoa, thuốc... Bệnh không lây nhưng thường rất khó xác định chính xác tác nhân gây dị ứng, xảy ra theo mùa, kéo dài hay tái phát. Bệnh có các triệu chứng như chảy nước mắt, ngứa mắt nhiều, viêm mũi dị ứng...
Bệnh thường khỏi trong khoảng 7-10 ngày. Tuy nhiên, nếu phát hiện chậm hoặc đưa ra phương án chữa trị không hợp lý có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm như loét giác mạc, viêm giác mạc, thậm chí là mù lòa. Do đó, để chủ động phòng bệnh, bạn cần tuân thủ một số điều sau: Mang kính khi đi ra đường để hạn chế không khí ô nhiễm, vi khuẩn, virus tấn công. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, không đưa tay lên dụi mắt. Không dùng chung vật dụng cá nhân với người khác, đặc biệt là mắt kính, khẩu trang, thuốc nhỏ mắt... Thường xuyên vệ sinh mắt, mũi, họng bằng các loại thuốc nhỏ chuyên dụng. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ.
Sốt xuất huyết
Thời tiết mùa hè thích hợp cho muỗi vằn sinh trưởng, gây bệnh sốt xuất huyết.
Mùa hè đi kèm với nắng gắt mưa nhiều khiến muỗi vằn dễ sinh sôi và truyền bệnh sốt xuất huyết. Bệnh do virus Dengue gây ra và dễ tạo thành dịch. Sau thời gian ủ bệnh, sốt xuất huyết sẽ phát bệnh ra bên ngoài. Kể từ thời gian phát bệnh với những cơn sốt cao đầu tiên, bệnh sẽ khỏi dần trong 7-10 ngày sau đó. Bệnh thường diễn biến nhanh, các biểu hiện nặng dần theo từng giai đoạn:
Giai đoạn sốt: thường kéo dài trong 3 ngày, có khi tới 7 ngày. Người bệnh có triệu chứng mệt mỏi, nhức đầu, đau nhức mình mẩy, đau hai hốc mắt, đau khớp, đau cơ, buồn nôn, chán ăn, có khi đau vùng thượng vị kèm tiêu chảy.
Giai đoạn xuất huyết: Thường kéo dài 3-4 ngày, xảy ra vào ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 kể từ khi bị sốt. Lúc này, bệnh nhân thường chỉ còn sốt nhẹ hoặc hết sốt, xuất huyết dưới da, các nốt ban đỏ nổi lên ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong cánh tay, bụng, đùi, mạn sườn. Xuất huyết niêm mạc như chảy máu mũi, lợi và đi tiểu ra máu. Trường hợp nặng có thể dẫn đến xuất huyết nội tạng như chảy máu dạ dày, xuất huyết não, biến chứng suy tạng như viêm gan, viêm não, viêm cơ tim.
Giai đoạn hồi phục: Qua giai đoạn nguy hiểm chừng 7 ngày từ khi sốt, bệnh nhân bước vào giai đoạn hồi phục, kéo dài trong 2-3 ngày. Lúc này, thể trạng bệnh nhân tốt dần lên. Người bệnh hết sốt, cảm giác thèm ăn và bắt đầu đi tiểu nhiều.
Mọi người cần chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết với các biện pháp như: đậy kín dụng cụ chứa nước, lật úp vật dụng không cần thiết, loại bỏ các dụng cụ phế thải, các hốc nước tự nhiên, thay nước bình hoa thường xuyên... Dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, đặc biệt như gầm giường, hốc tủ..., phát quang các bụi rậm quanh nhà để không còn nơi cho muỗi trú ngụ. Sử dụng thuốc xịt muỗi, hương diệt muỗi, thoa thuốc chống muỗi thường xuyên. Mắc màn khi ngủ ngay cả ban ngày để phòng muỗi đốt. Khi có dấu hiệu bị sốt thì nên đến ngay cơ sở y tế để khám chứ không được tự ý điều trị tại nhà.
Bệnh tiêu chảy
Bệnh tiêu chảy cấp là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, với các triệu chứng chính là tiêu chảy nhiều lần trong ngày, nôn, mất nước, rối loạn điện giải, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Tiêu chảy kéo dài dưới 2 tuần được gọi là tiêu chảy cấp. Tiêu chảy mạn tính kéo dài hơn 4 tuần.
Nguyên nhân gây tiêu chảy có thể kể đến như:
Virus: Rotavirus là một nguyên nhân phổ biến của tiêu chảy cấp ở trẻ em, còn người lớn là norovirus.
Vi khuẩn và ký sinh trùng: Thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm có thể truyền vi khuẩn và ký sinh trùng vào cơ thể. Tiêu chảy do độc tố vi khuẩn: Vibrio cholerae, E. coli, Clostridium difficile, tụ cầu...
Để phòng tránh tiêu chảy hiệu quả, mọi người cần thực hiện như sau: ăn chín, uống sôi, đậy kỹ đồ ăn thức uống, không nên ăn thức ăn để quá lâu. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Đặc biệt, chú ý lau dọn nhà bếp, nhà vệ sinh thường xuyên để loại bỏ vi khuẩn gây bệnh.