Múa
Rất nhiều bậc phụ huynh lựa chọn lớp học năng khiếu múa cho các bé gái theo học. Lợi ích của bộ môn này có lẽ ai cũng biết, múa giúp trẻ rèn luyện thể lực, sức bền, sự dẻo dai, săn chắc, khả năng tập trung cũng như sự kiên trì, nhẫn nại, từ đó, giúp trẻ năng động, tự tin hơn cũng như hiểu về các hoạt động của cơ thể hơn. Ngoài ra, múa cũng giúp trẻ thư giãn đầu óc, giảm căng thẳng do áp lực học hành trên lớp, thấy vui tươi, yêu đời hơn. Bạn có thể cho con học múa ba lê, múa belly dance, độ tuổi trẻ có thể bắt đầu tham gia học múa là 3 tuổi trở lên.
Nhảy hiện đại
Cũng giống như múa, nhảy hiện đại cần tới sự khéo léo và uyển chuyển của tay, chân cũng như các cơ xương khớp, tuy nhiên, múa thiên về tĩnh hơn, còn nhảy sôi động và trẻ trung hơn. Với múa ba lê hay múa bụng, chủ yếu chỉ có bé gái thích tham gia, thì nhảy hiện đại hấp dẫn cả nam lẫn nữ. Đây là bộ môn có thể đốt cháy calo dư thừa một cách hiệu quả, giúp trẻ có một trái tim khỏe mạnh, sức khỏe dẻo dai, bền bỉ, khả năng tập trung cao, phản xạ nhanh, cảm thụ âm nhạc tinh tế. Đồng thời, nhảy cũng tăng sự kết nối giữa con người với con người, giúp trẻ tự tin thể hiện bản thân trước đám đông.
Trẻ thích thú khi được tham gia lớp học vẽ. Ảnh: Hồ Thiên Nga
Âm nhạc
Khoa học đã chứng minh âm nhạc đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển trí nào của trẻ nhỏ. Đó là lý do, ngay từ khi còn trong bụng mẹ, thai nhi đã được các mẹ bầu cho nghe nhạc không lời, nhạc dân gian, các giai điệu nhẹ nhàng.
Nếu có thể, hãy cho trẻ tiếp xúc với âm nhạc càng sớm càng tốt, khoảng 3-4 tuổi, trẻ có thể theo học các lớp chơi nhạc hoặc học thanh nhạc.
Âm nhạc giúp trẻ phát huy khả năng sáng tạo, ngôn ngữ cũng như kích thích trí tưởng tượng bay bổng.
Đồng thời, âm nhạc cũng là liều thuốc bổ giúp trẻ xả stress vô cùng hiệu quả. Bạn có thể lựa chọn các lớp học đàn guitar, piano, violon… hay thanh nhạc cho trẻ theo học. Để theo học các lớp âm nhạc này, cha mẹ cần mua đàn (nếu khả năng tài chính cho phép) hoặc sách nhạc để trẻ luyện tập thêm ở nhà.
Vẽ
Sau âm thanh, màu sắc là thứ kích thích giác quan của trẻ phát triển mạnh mẽ nhất. Trẻ nhỏ thường bị thu hút bởi những màu sắc sặc sỡ, đối lập. Cho trẻ tham gia học lớp vẽ mỹ thuật giúp trẻ phát triển trí tưởng tượng, óc sáng tạo, khả năng tập trung và biết cảm thụ cái đẹp.
Cũng giống như âm nhạc và nhảy múa, vẽ khiến trẻ được thư giãn đầu óc. Đây không chỉ là một môn học năng khiếu mà còn là một thú tiêu khiển được rất nhiều trẻ em yêu thích.
Các bé gái hăng say tập múa tại Trung tâm Đào tạo và Nghệ thuật FFC. Ảnh: FFC
Dẫn chương trình (MC)
Nhiều trẻ em thích giao tiếp, đặc biệt thích được phát biểu, làm MC trước đám đông. Đừng bỏ qua đặc điểm này ở trẻ, đó là dấu hiệu chứng tỏ trẻ có khả năng trở thành một người dẫn chương trình chuyên nghiệp trong tương lai. Hãy bồi dưỡng năng khiếu ấy ở trẻ càng sớm càng tốt ngay khi bạn phát hiện con có khả năng đặc biệt này. Thậm chí, với những trẻ hay xấu hổ, ngại ngùng khi phải tiếp xúc đông người, hãy mạnh dạn ghi tên cho con tham gia lớp học MC, vì điều này có thể giúp trẻ trở nên mạnh dạn và tự tin hơn trước đám đông, biết cách chia sẻ cảm xúc, các quan điểm và ý kiến cá nhân.
Học MC đồng thời cũng làm tăng vốn từ vựng, giúp trẻ học Văn tốt hơn, biết cách lập luận và phân tích một vấn đề.
Thể thao
Ngày nay, các bậc cha mẹ không chỉ chú trọng việc học văn hóa của trẻ, các hoạt động thể chất cũng được lưu tâm đặc biệt. Các bộ môn thể thao không chỉ là nơi thể hiện năng khiếu của trẻ mà còn là hoạt động giúp trẻ rèn luyện sức khỏe, sự dẻo dai, kiên nhẫn, khả năng tập trung và cách xử lý các tình huống.
Bạn có thể cho con tham gia các lớp học, các CLB Cầu lông, bóng bàn, bóng đá, cờ vua, bơi lội, khiêu vũ thể thao… Trong 1 tuần, nếu trẻ có thể tham gia 2-3 buổi chơi thể thao, mỗi buổi quãng 60 phút là tốt nhất.
Trên đây chỉ là một số bộ môn năng khiếu phổ biến đang được nhiều bậc cha mẹ và trẻ quan tâm, ngoài ra, nếu con bạn có năng khiếu đặc biệt về một bộ môn nào khác, hãy mạnh dạn trao đổi cùng con và tìm thầy phù hợp để phụ đạo. Đó có thể là lớp học Điêu khắc hay lớp học Đàn tranh, lớp Lập trình hay Nữ công gia chánh…
Các lớp học năng khiếu không chỉ rèn cho trẻ các kỹ năng sống, cũng như khả năng tư duy, nhận thức mà còn làm phong phú đời sống tinh thần và tâm hồn của trẻ. Làm cha mẹ, hãy tạo điều kiện và động viên con tích cực tham gia các lớp học năng khiếu.
Nguồn: Phương Anh/GĐTE