Phụ huynh cần dạy cho trẻ về khả năng thích nghi để chúng có thể tự đối phó với biến cố, thách thức trong tương lai; biết chấp nhận thất vọng và “đứng dậy” bước tiếp.
Thích nghi trong mọi khía cạnh
Có nhiều người vô cùng hụt hẫng khi giã từ tuổi học sinh, sinh viên bước vào đời, họ không biết mình nên tin vào điều gì bởi cuộc sống không giống như trang sách, quá khắt khe. Cũng có những khổ đau ập đến bất ngờ. Từ đó, họ thấy cuộc đời bế tắc, mất hết niềm tin, hy vọng.
Đó cũng là một trong những lý do dẫn đến bệnh trầm cảm có chiều hướng gia tăng trong thanh, thiếu niên, và cả người lớn, để lại những hậu quả đáng buồn. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người, những tấm gương âm thầm, kiên cường vượt qua mọi khổ đau, sóng gió vươn lên. Đó chính là khả năng thích ứng với mọi hoàn cảnh trong cuộc sống.
Theo các chuyên gia, thích ứng là khả năng của một người thích nghi với mọi sự thay đổi của hoàn cảnh, được thực hiện ở ba cấp độ: Sinh học, xã hội và tâm lý.
Ở cấp độ sinh học, là khả năng của một người duy trì hình dạng của mình trong các giới hạn cần thiết cho hoạt động bình thường của cơ thể khi các điều kiện của thế giới thay đổi. Khả năng thích ứng tâm lý đảm bảo chức năng ổn định của tất cả các cấu trúc não với ảnh hưởng của các yếu tố tâm lý bên ngoài. Tính linh hoạt và khả năng thích ứng của các quá trình tâm thần thể hiện một thước đo về sự phát triển khả năng tự nhiên của cá nhân.
Trong khi đó, ở cấp xã hội thể hiện sự thích nghi với môi trường thông qua khả năng phân tích môi trường xã hội, các tình huống xã hội mới nổi, nhận thức về khả năng của chính mình trong hoàn cảnh hiện tại, cũng như khả năng thích nghi với mục tiêu và mục tiêu chính của hoạt động.
Trong xã hội hiện nay, việc cung cấp đầy đủ thức ăn ngon, quần áo đẹp và môi trường sống trong sạch nhất cho con là điều mà phụ huynh nào cũng mong muốn. Song cha mẹ cũng nên hình thành cho trẻ khả năng phát triển trong mọi điều kiện sống, đồng thời trang bị cho trẻ kỹ năng để có thể tồn tại và lớn khôn dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù điều kiện thiếu thốn hay dư đủ.
Trước hết, đó là kỹ năng thích nghi với thực phẩm. Con người cần có thức ăn và nước uống để có thể tồn tại và sinh sống. Do đó, trẻ em cũng cần được cha mẹ xây dựng khẩu phần ăn hợp lý và đa dạng. Ngoại trừ những trường hợp gặp khó khăn trong vấn đề ăn uống vì mắc bệnh lý, dị ứng…, phụ huynh cần cân nhắc và phân bổ đa dạng các món ăn, đầy đủ các loại rau, các loại thịt…, để giúp trẻ thích ăn và dễ ăn hơn.
Việc thay đổi vài loại sữa hoặc đa dạng hóa các loại thực phẩm sẽ giúp trẻ tránh được tình trạng kén ăn, biếng ăn. Điều đó sẽ trở nên hữu ích đối với những chuyến đi chơi xa của gia đình. Bởi, trẻ có thể sử dụng những loại thực phẩm có sẵn. Cha mẹ sẽ không gặp khó khăn hay lo lắng trong việc tìm kiếm thức ăn cho con.
Những cơn mưa bất chợt hay những lúc giao mùa chuyển từ nắng sang mưa, hoặc trời vừa mưa vừa nắng cũng có thể khiến trẻ bị cảm cúm, bệnh vặt, ho, sốt… Vì vậy, phụ huynh cần tập cho trẻ dần thích nghi với sự thay đổi thời tiết.
Ví dụ, trẻ được phép vô tư vui chơi, đùa nghịch dưới đất, cát và mưa… mà không bị săn sóc quá kỹ lưỡng. Trong những ngày nắng, trẻ không cần mặc trang phục quá kín đáo, có thể linh hoạt thay đổi bằng những chiếc áo thun mỏng, thấm hút mồ hôi, áo ba lỗ, hai dây và quần ngắn… Hoặc, để trẻ được tự do dạo chơi ở công viên, sân vườn.
Đối phó với thách thức
Cuộc sống hiện đại với đầy đủ tiện nghi, nhưng nhiều trẻ lại thiếu những kỹ năng cơ bản cần thiết để ứng phó khi có sự thay đổi. Do đó, kỹ năng thích nghi sẽ giúp trẻ có thể tự đối phó với những thách thức không thể tránh khỏi trong tương lai, hoặc bất ngờ ập đến. Khi đã có những kỹ năng này, trẻ sẽ trở nên linh hoạt hơn, biết cách chấp nhận thực tế và đối phó với thử thách, vượt qua khó khăn dễ dàng hơn.
Chị Nguyễn Thanh Hậu (Ba Đình, Hà Nội) - phụ huynh có hai con, chia sẻ: “Vợ chồng tôi thường dạy con cách biết chấp nhận những sự thay đổi của cuộc sống. Thực tế, thay đổi là một thứ đáng sợ đối với tất cả mọi người, nhưng đó cũng là điều mà bất cứ ai cũng phải đối mặt. Do đó, tôi cho rằng, cần dạy trẻ thay vì cảm thấy khó khăn, hoảng sợ và không làm gì cả, hãy học cách chấp nhận những sự thay đổi đó. Khi đã chấp nhận được, con sẽ dần bình tĩnh và đưa ra những phương pháp để có thể đối mặt với điều đó một cách tốt nhất”.
Cũng theo nữ phụ huynh này, việc rèn luyện cho trẻ tính chủ động tìm tòi, học hỏi cái mới trong học tập cũng là một cách giúp con rèn luyện kỹ năng thích nghi hiệu quả. Hơn nữa, sự chủ động của trẻ không những có ích trong học tập, mà còn giúp trẻ thuận lợi hơn trong công việc tương lai.
Ngày nay, việc phát minh ra những cái mới mẻ thật sự rất quan trọng. Vì vậy, nếu cứ giữ mãi lối học tập bị động, trẻ sẽ gặp khó khăn khi tham gia vào những môi trường mới trong tương lai.
Theo cô Trịnh Mai Chi - Trường Mầm non Bông Mai 2 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), để trẻ có khả năng thích nghi, cha mẹ cần cho con độc lập, tự do khi khám phá những điều mới lạ, thậm chí ngay cả khi phụ huynh nghĩ trẻ khó có thể làm được. Ngoài ra, cần tạo cơ hội để rèn luyện tính kiên nhẫn chờ đợi cho con khi cần thiết mà không cung cấp cho trẻ bất kì phương tiện giải trí nào như khi đang chờ đợi trong một nhà hàng, xếp hàng mua vé, chờ đến lượt mình lái xe trong các trò chơi ở nhà trẻ… Trẻ sẽ nhận thấy rằng, việc dành thời gian dài để đưa ra những quyết định đúng đắn là đáng giá, thậm chí khi điều đó có thể gây khó khăn.
Ngoài ra, cha mẹ không nên cố gắng cung cấp cho con tất cả mọi thứ mà trẻ mong muốn như đồ chơi, thực phẩm, quần áo… Thay vào đó, hãy tạo cơ hội để trẻ giúp đỡ những em bé hơn mình. Hãy bắt đầu bằng những điều đơn giản như bảo trẻ chỉ và giải thích giúp em bé hơn những hình ảnh trong một cuốn sách nào đó. Khuyến khích trẻ duy trì thái độ tích cực đối với các công việc nhà, hoặc đối với việc làm các bài tập về nhà… bằng cách dạy cho bé những cách sáng tạo để tìm thấy niềm vui khi làm việc. Nếu trẻ lớn hơn một chút, hãy tạo cơ hội để con chờ đợi đến giờ ăn cơm chung cùng với gia đình, thay vì ăn nhanh những món vặt chúng thích trước giờ ăn.
“Ngay từ khi còn bé, cha mẹ cần tập cho trẻ tính độc lập trong suy nghĩ, hành động, ăn uống hay mọi khía cạnh của cuộc sống. Đây là cách tốt nhất giúp trẻ tự tin hơn trong cuộc sống và dễ dàng thích nghi với môi trường luôn có sự biến động ngày nay. Phụ huynh không nên quá bảo bọc và che chở. Thay vào đó, cần cho phép con trẻ được chịu đựng ‘chút nắng, chút sương’ để thích nghi với sự thất thường của thời tiết. Cũng không cần phải ‘cứu nguy’ cho con mọi lúc, vì trẻ có thể tự giải quyết vấn đề của chúng và rút ra được những bài học cho riêng mình”, nữ giáo viên chia sẻ.
Mỗi khi có chuyện xảy ra, phụ huynh hãy dẫn dắt để trẻ suy nghĩ rằng, những quyết định của bé có thể gây ra những ảnh hưởng gì. Từ đó, giúp trẻ đưa ra quyết định tốt nhất. Để trẻ thường xuyên tự đưa ra quyết định cho bản thân. Khi đó, khả năng suy nghĩ và làm việc độc lập của trẻ sẽ phát triển ngày càng mạnh. Thậm chí, trẻ có thể vượt qua và tìm cách giải quyết kể cả trong những tình huống phức tạp.