Mọi người đọc những bài viết của mình sẽ thấy mình ít chia sẻ về chủ đề ăn uống của con. Chuyện ăn uống của con cũng là chuyện đôi khi khiến mình đau đầu và gặp nhiều khó khăn bởi vì Bon không phải là đứa trẻ “thích ăn” và ăn nhiều. Thậm chí con thường xuyên bị chê là còi, gầy nếu so với tiêu chuẩn “béo mập” của Việt Nam. Mình cũng phải thường xuyên đầu tranh với những người thân trong gia đình để bảo vệ quan điểm ăn uống của mình với con.
Trải qua gần 6 năm mình xin chia sẻ một số những điều mình vẫn thực hiện đều đặn hàng ngày với con từ khi con mới được 1-2 tuổi, để hình thành thói quen đến tận bây giờ. Và mình tin rằng khi rèn con chuyện ăn uống cha mẹ cũng dạy cho con rất nhiều bài học về thái độ sống của trẻ.
1.
Xây dựng các quy tắc về bữa ăn, đồ ăn, chuyện ăn uống để con tuân theo
Ngay từ khi còn nhỏ tầm 1-2 tuổi mình đã xây dựng những quy định như:
-
Trước bữa ăn 1 tiếng sẽ không được ăn đồ ăn vặt như kẹo, bánh, sữa…
-
Con có quyền không ăn cơm nếu con không muốn ăn. Nhưng nếu không ăn cơm thì con sẽ không được ăn bất cứ đồ ăn nào như bánh kẹo, nước ngọt.
-
Phải ăn mọi loại thức ăn dù là ít hay nhiều, và với thái độ trân trọng những đồ ăn đó.
-
Chuyện ăn uống là chuyện của con, không phải sự ban ơn cho bố mẹ hay ông bà nên không có quyền lấy chuyện ăn uống để thoả hiệp với mọi người như xem tivi, ăn kẹo, chơi trò chơi…
Chỉ 4 quy tắc nhỏ ấy thôi nhưng mình thấy nó khá hữu ích trong 5-6 năm qua. Với con trẻ, càng ít quy định, đơn giản hoá càng tốt nhưng cần phải nhất quán và thực hiện đều đặn hàng ngày mới có hiệu quả.
Câu chuyện của Bon
Hôm đó là buổi sáng ngày mùng 2 Tết. Cả nhà ngồi vào bàn ăn cơm nhưng Bon uể oải không muốn ăn, đòi ăn kẹo (về với ông bà thì bao giờ con trẻ cũng có trò mè nheo nhõng nẽo để vòi cái này cái kia). Hai bố mẹ bảo nếu Bon không muốn ăn cơm cũng không sao, con có quyền không ăn. Nhưng quy định của mình là không ăn cơm thì không được ăn bất cứ cái gì cho đến khi con ăn cơm lại. Con có thể nhịn đến tối, đến sáng mai cũng được mà. Bon nghe thấy bố mẹ nói cứng quá nên dỗi và “không ăn” luôn. Sau đó cả nhà mình cùng nhau đi đến nhà họ hàng để chúc Tết.
Đến nhà ai con cũng nhìn thấy khay bánh kẹo, con thèm lắm nên cứ cầm lên mân mê định lấy thì mình lại nhẹ nhàng “Bon có nhớ quy định của nhà mình không nhỉ? Con có được phép ăn kẹo không nhỉ?”. Người lớn ai cũng bảo thôi để cho nó ăn, nó thích thế cứ ép nó tội nghiệp nó. Nhưng vợ chồng mình đều bảo “Không Bon rất biết các quy định và rất biết tuân thủ bà ạ”. Cu cậu cầm lên rồi lại bỏ xuống. Kiểu thèm lắm nhưng biết mình vi phạm quy tắc nên không dám làm theo ý mình, không khóc lóc ăn vạ hay mè nheo.
Cứ như thế cho đến nhà thứ 5, anh chàng thấy mẹ nói chuyện với 2 người lớn khác thì chạy ra thoả hiệp “Mẹ ơi nếu trưa nay con ăn hết bát cơm thì mẹ cho con xem ipad nhé”. Mình vừa cười vừa nghiêm túc “Mình sẽ không nói chuyện thoả hiệp trước mặt người khác Bon nhé. Khi nào có hai mẹ con mình thì chúng mình sẽ nói chuyện ok”. Thế là cu cậu bỏ đi chỗ khác chơi. Chiều về đến nhà đói quá đánh bay hai miếng bánh chưng :))
Chỉ cần bố mẹ làm gương, nhất quán trong các trường hợp, kiên trì rèn từ 1-2 tuổi thì mình tin rằng con trẻ cũng rất nghiêm túc và có trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định.
2.
Giúp con có thói quen ăn uống đa dạng, ăn được mọi loại thức ăn và hình thành cá tính ẩm thực riêng để tận hưởng niềm vui với những món ăn mình yêu thích.
2.1
Không doạ hay đưa điều kiện trao đổi chuyện ăn uống với con
Có nhiều ông bà và bố mẹ vẫn thường hay doạ con kiểu “Con mà không ăn rau mẹ không yêu đâu. Con phải ăn hết bát cơm này mẹ/bà mới yêu. Hay nếu con ăn hết bát cơm này mẹ sẽ cho con xem ipad” (mặc dù rất hiếm khi phải dùng có lẽ 1-2 lần vào tình huống bất đắc dĩ. Vì mình biết dùng điều kiện như vậy là không nhất quán trong giáo dục). Tất cả những điều đó không giúp con bạn trở nên yêu thích bữa ăn, và ăn uống chủ động hơn được.
2.2
Đừng cấm đoán chuyện ăn bim bim
Mình đọc một nghiên cứu của các nhà khoa học Anh và Nhật đã chỉ ra rằng
“Việc trẻ bị ép buộc phải ăn rau củ quả và bị cấm ăn bim bim, đồ ngọt... đều sẽ mang lại những ảnh hưởng rất tiêu cực, càng cấm đoán thì trẻ lại càng thèm khát, càng ép uổng thì trẻ sẽ lại càng chán ghét”.
Giống như hầu hết những đứa trẻ khác Bon rất mê kẹo, mê bim bim, tò mò với coca. Vì thế ở nhà mình, mình không cấm con chuyện con ăn kẹo hay bim bim mà quy định 1 tuần sẽ được ăn vào một trong hai ngày cuối tuần. Nếu ăn thứ 7 thì chủ nhật không ăn nữa, và ngược lại. Giải thích lí do vì sao con chỉ được ăn như vậy, vì ăn nhiều kẹo không tốt cho sức khoẻ bla bla...
Có nhiều bố mẹ cấm đoán một cách cực đoan sẽ dẫn đến sự phản tác dụng khi con lớn lên, bố mẹ không thể kè kè kiểm soát con được và lúc ấy con ăn những đồ ăn độc hại đó đến mức mất kiểm soát. Điều quan trọng là con vẫn có quyền được ăn, nhưng cần trang bị cho con kiến thức hiểu biết vì sao con không nên ăn nhiều cái đó mà thôi.
Đực biệt mình sẽ không tích kẹo hay bim bim, đồ uống có ga và các thực phẩm không lành mạnh với sức khoẻ con trẻ ở trong nhà.
2.3
Đừng ép buộc nếu đó là món trẻ không thích, nhưng thay đổi cách chế biến giúp con ăn được cái đó
Bon nhà mình rất thích ăn rau, nhưng lại ghét ăn thịt. Bữa ăn bố toàn ép con ăn thịt nên rất hay xảy ra xung đột. Nhiều khi mình phải nói với bố Bon là nếu con không thích ăn món đó mặc dù mình nghĩ là tốt thì cũng đừng cố ép kiểu cưỡng chế con.
Nhưng không vì thế mà mình từ bỏ và để con không ăn những cái con không thích. Vì Bon rất thích ăn cay nên để con ăn thịt thì bố Bon dụ cho Bon chấm thịt với nước mắm cay ăn sẽ rất ngon. Hoặc mình thường trộn thịt, trứng khi chiên cơm rang, như thế con sẽ vẫn ăn được thịt.
2.4
Những nguyên tắc về mặt cảm xúc và tinh thần
-
Tin tưởng vào chiếc dạ dày của con, vào những lúc con nói con no rồi và con không muốn ăn thêm nữa. Rất tiếc là đa phần người lớn lại không tin lời nói của con trẻ, không tin tưởng vào cảm nhận của trẻ. Khi Bon nói con không muốn ăn nữa, con no rồi thường bố Bon sẽ bảo ăn gì mà no, ăn có tí ti thế bảo no và mình đã phải làm công tác “tư tưởng” rất nhiều đến nỗi có lần phải tranh luận với nhau để bố tôn trọng quyền quyết định của con về việc con muốn được ăn theo định lượng của mình.
-
Khi Bon không ăn hết khẩu phần thì hôm sau mình sẽ bớt một chút lại và cố gắng khích lệ để con có thể ăn hết phần cơm đó. Việc chia nhỏ khẩu phần ăn khi ăn ở bữa ăn cũng khiến một đứa trẻ ăn ít và không “ham ăn uống” cảm thấy việc ăn uống vui vẻ và không áp lực. Cảm giác ăn hai bát nhỏ so với 1 bát đầy rõ ràng happy hơn rất nhiều.
-
Ngoài ra, con được tự lấy cơm và có trách nhiệm ăn hết phần cơm mình lấy
-
Con không ăn nhiều cơm nhưng bù lại con ăn rất nhiều rau củ và hoa quả đa dạng nhiều màu sắc, và các thực phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai, sữa tươi. Mình thường nói với bố Bon rằng ngày xưa chúng ta lớn lên chỉ có cơm trắng với nước mắm, rau luộc nên phải ăn nhiều cơm là đúng rồi. Nhưng trẻ con ngày nay chúng được ăn rất nhiều thực phẩm đa dạng, vì thế mục tiêu của chúng ta là để con có thể ăn mọi loại thực phẩm, cảm nhận niềm vui của bữa ăn và thích thú ăn những món mà con thích.
Anh có công nhận rằng có những thứ con ăn được mà chúng ta không thể làm được, ví dụ như con có thể ngồi ăn hết một đĩa cà chua bi, ăn hết một đĩa tỏi xào mà chúng ta thì chịu thua. Vì thế bố mẹ rất cần trân trọng lựa chọn và sở thích cá nhân của con trong chuyện ăn uống, bên cạnh việc định hướng lựa chọn thực phẩm tốt cho sức khoẻ trong bữa ăn hàng ngày.
-
Trẻ đói thì trẻ mới muốn ăn. Muốn trẻ đói thì phải cho trẻ được vận động.
Trẻ cần phải vận động để tiêu hao đi năng lượng, để kích thích cảm giác muốn ăn, thèm ăn. Nhiều khi trẻ không ăn bởi vì năng lượng tích trữ còn chưa có cơ hội xả ra ngoài đã lại bị ép phảo nạp thêm.
Mình chỉ xin tổng kết bằng câu nói của tác giả Naomi Moriyama, người đã chia sẻ bí quyết trong cuốn sách của mình "Secrets of the World's Healthiest Children" rằng “Trách nhiệm của bố mẹ là lựa chọn cho con những món ăn lành mạnh và việc của con là quyết định sẽ ăn bao nhiêu và ăn như thế nào”. dạy con biết cách tận hưởng niềm vui ăn uống và biết cách lựa chọn những đồ ăn tốt, hạn chế những món ăn có hại cho sức khỏe của mình một cách linh hoạt.
2.5
Bố mẹ phải là người làm gương
Bon rất thích ăn rau củ, hoa quả, có thể ăn được đủ các gia vị chua cay mặn ngọt, ăn được mọi loại rau thơm, rau sống (hành, tỏi, diếp cá vốn là thứ mà nhiều bé không thích). Đặc biệt mê đồ ăn Nhật và kim chi Hàn.
Nhiều người rất ngạc nhiên vì sao con có thể ăn như kiểu người lớn như vậy. Mình tin rằng việc cha mẹ làm mẫu cho con trong bữa ăn và khuyến khích con tập ăn mọi thứ từ khi con chưa biết gì là điều vô cùng quan trọng.
Bố Bon rất thích ăn hành lá sống, vì thế hồi ở Nhật nhà mình hay ăn món cá ngừ trộn với hành lá thái nhỏ cuộn cơm với rong biển. Khi con tầm gần 1 tuổi ngồi trên bàn ăn của mình con cũng bốc hành lá sống cho vào miệng nhai, bởi lúc ấy mọi đồ ăn với con đều mới lạ chứ chưa có sự đề kháng nào. Rồi gần 3 tuổi con tập ăn cay, một lần ăn phải miếng ớt có hạt cay xè lưỡi con chạy khóc khắp nhà, và rồi sau trải nghiệm “nhớ đời” lần đó thì con đã ăn cay được rất tốt.
Hai vợ chồng mình luôn khuyến khích con thử ăn những đồ ăn mới với tinh thần như vậy.
Nhìn lại quá trình mình lớn lên mình nhận thấy rằng thói quen ăn uống của con cái bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cha mẹ, đặc biệt là người mẹ, người nấu ăn cho cả nhà. Mẹ mình không ăn được cay, chua, không ăn được hành, tỏi, không thích các gia vị rau thơm. Vì thế mà trước khi lấy chồng mình cũng không ăn được hành. Sang Nhật 3 năm mà không dám ăn món Sushi, Sashimi (cá sống). Cho đến khi yêu chồng mình, được anh ấy tập cho ăn nên mình đã biết ăn mọi thứ, biết thưởng thức đồ ăn, dám thử thách bản thân.
Và mình nhìn lại vết xe đổ của mình ngày xưa là các cháu con anh trai mình bây giờ sống cùng ông bà, cũng không thích ăn hành, rau thơm do ảnh hưởng thói quen của bà nội.
2.6
Ăn uống không chỉ là chuyện ăn uống, nó phản ánh thái độ của chúng ta với cuộc sống
Có những mẹ khi gửi con đến trường mầm non thường hay yêu cầu giáo viên là con không ăn được món này, món kia nên muốn cô đừng cho con ăn những thứ đó.
Mình chứng kiến có rất nhiều bố mẹ hay chiều theo đòi hỏi của con. Đến quán ăn gọi bát phở là yêu cầu bỏ hết hành, hết rau thơm chỉ vì con ghét và không ăn được mấy thứ đó, dù con đã lớn rồi. Ở nhà hễ con bảo không ăn cái gì là bỏ cái đó mà không có động thái khích lệ, tìm cách để giúp con tập ăn cả những thứ mình sợ.
Câu chuyện ấy phản ánh những đứa trẻ lớn lên trong sự nuông chiều và dễ dãi như vậy sẽ thường sợ hãi khi đối diện với nghịch cảnh, né tránh khi gặp khó khăn, bởi vì chúng quen sống trong cái vỏ bọc có được mọi thứ mình muốn, mọi điều kiện sống thuận lợi nhất cho mình rồi.
Có lẽ ngay từ ban đầu chính thành kiến của người lớn đã là rào cản khiến trẻ con không còn cơ hội thử thách để vượt qua những khó khăn của chính mình nữa rồi. Chúng ta nghĩ rằng thương con là chiều theo mọi điều con thích, con muốn, là không ép buộc, mà quên đi rằng mỗi trải nghiệm trong cuộc sống hàng ngày, bao gồm cả chuyện ăn uống, chính là quá trình nuôi dưỡng bản lĩnh và khả năng thích nghi với cuộc sống.
Mình nhớ hồi năm 2011 khi mình tham gia chương trình ngoại khoá và đi thực địa sang Tunisia, những người bạn Nhật đi cùng đã dạy cho mình một bài học tuyệt vời. Đồ ăn của Tunisia chủ yếu là thịt cừu và cá biển, khoai tây chiên. Món thịt cừu thực sự là một cực hình đối với mình bởi mình không thể chịu được mùi hôi của nó. Trong khi mình ngắc ngoải và tỏ thái độ chán chường khi nhìn khay thức ăn thì mình nhìn sang các bạn người Nhật của mình dù không thích món ăn đó, nhưng các bạn vẫn ăn rất tích cực.
Lúc ấy mình học được rằng thái độ của bạn với đồ ăn sẽ phản ánh thái độ của bạn đối với cuộc sống. Nếu không có tinh thần sẵn sàng đón nhận những món ẩm thực khác lạ của một đất nước nào đó, làm sao bạn có thể cởi mở tinh thần để đón nhận những khác biệt về văn hoá và tư tưởng của những nền văn hoá khác nhau trên thế giới.
Từ đó, thái độ và tư duy của tôi về chuyện ăn uống đã thay đổi rất nhiều để tôi có thể truyền lại tinh thần đó cho Bon sau này.
(Bài chia sẻ của chị Nguyễn Thị Thu, tác giả sách Kỷ luật mềm của trái tim)