Bước 1: Đặt tên cho cảm xúc
Ngay cả với những khái niệm đơn giản như “vui, buồn, lo lắng,…” cũng sẽ trở nên rất mơ hồ đối với trẻ nhỏ nếu chúng ta không bảo cho trẻ biết đó là vui hay buồn. Trong tâm trí non nớt của mình, bé sẽ chỉ cảm nhận một cách mông lung và hoàn toàn bản năng về việc nhu cầu được đáp ứng thì cười, còn không thì nên mè nheo vòi vĩnh. Để khắc phục điều này, bạn nên giúp trẻ hiểu hơn về những cảm nhận tinh thần bằng cách đặt tên cho những cảm nhận ấy. Chẳng hạn như “Ba đi công tác một tuần rồi. Con muốn chơi cưỡi ngựa với ba nhưng ba lại không có ở nhà phải không? Con của mẹ đang buồn mất rồi.” hay khi lúc cùng con đọc truyện, bạn cũng có thể lồng ghép các bài học cảm xúc như sau “Cô bé quàng khăn đỏ bất ngờ phát hiện ra con sói đang ở trên giường của bà. Mắt cô bé mở to và nhìn quanh. Con có thấy cô bé quàng khăn đỏ đang sợ hãi không?”
Ngày qua ngày, vốn từ và những hiểu biết của trẻ về thế giới cảm xúc sẽ càng phong phú hơn. Một đứa trẻ nếu có khả năng cảm nhận sâu sắc về cảm xúc của mình và được nuôi dạy tốt sẽ luôn biết cách mang lại những cảm xúc tích cực cho người khác sau này.
Bước 2: Cảm xúc bằng lời và biểu cảm
Tạo điều kiện cho trẻ tự thể hiện cảm xúc của mình thông qua vốn từ và hiểu biết đã tích luỹ được từ bước 1. Ban đầu, bạn có thể gợi mở cho trẻ trả lời đơn giản có hoặc không về những cảm nhận của mình như “Tự lựa chọn màu và tô vào tranh thật thú vị. Mẹ thấy con cười suốt. Vậy là con đang rất vui có phải không?”. Lâu dần, bạn nên khuyến khích trẻ tự phát ngôn về cảm xúc của mình như “Bạn Bin do không cẩm thận đã vấp ngã khi đang chạy nhảy. Theo con thì bạn Bin sẽ cảm thấy như thế nào? Nếu là con thì con có muốn bị té như Bin không?”
Tuy trẻ đã có một vốn từ và hiểu biết nhất định nhưng bạn cũng không nên đưa cho trẻ những tình huống phức tạp về cảm xúc sẽ khiến trẻ không sẵn lòng đón nhận hoặc học thêm cách thể hiện cảm xúc nữa. Một trong những tình huống phức tạp mà các bậc phụ huynh thường mắc phải là câu hỏi “Giữa ba và mẹ thì con thương ai nhiều hơn?”
Khuyến khích trẻ thể hiện cảm xúc cả bằng lời lẫn biểu cảm khuôn mặt
Thể hiện cảm xúc như thế nào mới đúng?
Đến đây, bé của bạn đã tích trữ được một số vốn kha khá về việc hiểu và thể hiện cảm xúc của mình. Trẻ đã có thể tự mình cho người khác biết trẻ đang vui hay đang sợ vì điều gì. Tuy nhiên, những chuỗi phản ứng tiếp theo của trẻ dựa trên những trạng thái cảm xúc đó lại là điều chúng ta nên quan tâm lúc này. Bé Na 4 tuổi rất thích chơi với chị Ti 7 tuổi, thế nhưng Na lúc nào cũng muốn chị Ti chơi với mình mà không được chơi với những bạn khác. Hoặc như cu Tí đã 6 tuổi rồi nhưng vẫn khóc nhè mỗi khi muốn vòi vĩnh mẹ mua cho đồ chơi mới. Với những trường hợp như vậy, bạn nên nhẹ nhàng làm cho trẻ thấy ở mỗi cung bậc cảm xúc đều có nhiều cách thể hiện khác nhau. Và bí mật lèo lái trẻ đi đúng hướng cảm nhận nhưng nên để trẻ tự quyết định cách hành xử nào là hợp lý. Ví dụ như “Con thích chơi với chị Ti và chị Ti rất thích chơi trò trốn tìm. Trò này chơi càng nhiều người càng vui. Theo con thì mình nên rủ thêm những bạn nào cho trò chơi này?”
Trẻ con vốn “nhân chi sơ tính bản thiện”. Nuôi dưỡng tâm hồn thơ ngây và thế giới cảm xúc của bé theo một cách trọn vẹn và nâng niu nhất. Nhân cách của một người định hình lần đầu vào lúc 3 tuổi và lần cuối vào lúc 18 tuổi. Chúc bạn đặt được những viên gạch đầu tiên vững chắc cho nền móng cảm xúc và nhân cách của bé con ngay từ những ngày đầu thơ ấu.