Trẻ thường khóc khi cảm thấy sợ hãi
Bản chất của nỗi sợ hãi
Bất cứ đứa trẻ nào cũng có một nỗi sợ hãi trong mình và những nỗi sợ hãi đó có thể sẽ khiến trẻ thiếu tự tin, bất an, thậm chí bị ám ảnh suốt cuộc đời.Cha mẹ cũng cần hiểu thêm rằng, bản chất của nỗi sợ hãi trong trẻ được tồn tại theo từng góc độ thời gian. Ở mỗi thời điểm trẻ sẽ có những nỗi sợ khác nhau và những nỗi sợ sẽ đi theo năm tháng. Đôi lúc, trẻ có thể tự vượt qua được nỗi sợ hãi đó nhưng nhiều trẻ cần phải có sự can thiệp của bố mẹ, chuyên gia tâm lý thì nỗi sợ hãi mới sớm được chấm dứt.
Những nỗi sợ hãi thường gặp ở trẻ
- Ở tuổi mẫu giáo, trẻ thường có trí tưởng tượng rất phong phú và đôi khi trí tưởng vượt xa ngoài thực tế như việc trẻ tưởng tượng ra những con vật đáng sợ trong bóng tối. Thậm chí, đôi khi trẻ cũng bị hoảng loạn bởi những tiếng ồn lớn, ám ảnh vào giấc ngủ của trẻ.
Bóng đêm tiếp tay cho nỗi sợ của trẻ
- Trẻ luôn tin những lời người lớn hay cha mẹ nói, đặc biệt là những câu chuyện giả tưởng của cha mẹ về một điều gì đó rất đáng sợ.
- Trẻ thường xuyên bị gặp ác mộng vì chính những gì trẻ nghe được hoặc tưởng tượng ra như bóng tối và ma quỷ, người ngoài hành tinh, quái vật…
- Một số trẻ có nỗi sợ thực tế hơn như sợ cháy, bão, bị thương, cha mẹ cãi nhau, ốm đau.
- Trẻ bị ám ảnh bởi những bộ phim giả tưởng, hành động, bạo lực, hoặc là những tin phát sóng trên truyền hình.
Giúp con vượt qua nỗi sợ hãi
- Không doạ nạt con và tiêm nhiễm vào đầu con những điều đáng sợ như ma, quỷ, ông kẹ… Bởi những lời doạ nạt đó chính là tiền đề khiến trẻ bị ám ảnh và ảnh hưởng tới bữa ăn, giấc ngủ của trẻ.
- Với những bé sợ bóng tối, mẹ nên trang bị một chiếc đèn ngủ cho bé để giúp bé yên tâm ngủ hơn. Ngoài ra, mẹ cũng nên dắt con đi khắp phòng để kiểm tra có "điều gì" bất ổn hay không, và hãy quả quyết với con rằng, phòng của con tuyệt đối an toàn. Nhờ vậy, bé an tâm và ngủ ngon hơn.
Luôn bên con và động viên, giúp con vượt qua nỗi sợ hãi
- Tuyệt đối không bắt ép trẻ đối diện với nỗi sợ hãi, mang nỗi sợ hãi của trẻ ra trêu đùa. Và chỉ khi nào con đã sẵn sàng thì hãy khuyến khích con đối diện với nỗi sợ hãi. Sau đó, cha mẹ đừng quên khen trẻ khi trẻ vượt qua đuợc nỗi sợ hãi đó.
- Thường xuyên tâm sự, chia sẻ cùng con, giúp con đi qua nỗi sợ hãi một cách dễ dàng.
- Mẹ cũng có thể kể một vài câu chuyện liên quan tới nỗi sợ hãi của mình ngày còn nhỏ và chỉ ra cho trẻ thấy bạn đã vượt qua điều đó như thế nào.
- Hãy luôn yêu thương, vỗ về trẻ để trẻ cảm thấy được an toàn trong ngôi nhà của mình và không còn sợ điều gì nữa.
- Hạn chế cho trẻ xem các bộ phim truyền hình bạo lực, ma quỷ gây ám ảnh trẻ.
- Nếu nỗi sợ trong trẻ quá lớn, trẻ thường xuyên khóc thét và bám víu cha mẹ, dành hết thời gian trong ngày để sợ hãi thì cha mẹ nên đưa trẻ tới các chuyên gia tâm lý để sớm giúp trẻ vượt qua nỗi sợ hãi.
Yeutre.vn (Tổng hợp)