Liệu con có thể tự đi vệ sinh, ngồi học trong 40 phút, không quấy khóc đòi về nhà hay bị bạn bè bắt nạt? Vào lớp 1, hàng trăm kịch bản “biến cố” có thể xảy ra khi con rời xa vòng tay cha mẹ. 6 tuổi, liệu con có thể vượt qua nỗi sợ đầu đời?
Khoảng trời của con không còn là gia đình, sân chơi nhiều hoa và đồ chơi màu sắc. Con bước vào giai đoạn tự lập với nhiều “biến động” về môi trường, kỷ luật, thầy cô, yêu cầu học tập thật sự.
Hỗ trợ con thích nghi, hòa nhập
PGS. TS Huỳnh Văn Sơn chuyên gia Tâm lý, trường ĐH Sư phạm TP.HCM từng chia sẻ: “Phụ huynh cần nhận thức trước tiên rằng, khó khăn của các bé khi vào lớp một không phải là học chữ, học tính, học đọc, học viết... mà là học cách hòa nhập với môi trường mới, hoạt động mới. Muốn vậy, phụ huynh có thể giới thiệu về trường tiểu học cho con mình, dẫn trẻ đi ngang trường tiểu học để quan sát, nhìn ngắm các anh chị học tập, vui đùa”.
Dựa trên đặc tính độ tuổi, các chuyên gia đã chỉ ra những “biến động” sẽ ập đến khiến con trẻ ngỡ ngàng.
Ở MẪU GIÁO |
KHI BƯỚC VÀO LỚP 1 |
- Chơi là chủ yếu
|
- Học tập là trọng tâm
|
- Tùy hứng đi lại, nhảy múa mọi lúc mọi nơi
|
- Ngồi yên suốt giờ học, nghe giảng suốt 40 phút
|
- Khám “phá” đồ chơi cụ thể
|
- Học nội dung trừu tượng
|
- Được nô đùa, nhiều chuyện, thẩn thờ ngồi tưởng tượng
|
- Không tám chuyện, đùa nghịch trong giờ học; phải xin phép nói đúng theo chủ đề giờ học
|
- Vụng về, vẽ sai, cắt sai, làm không đúng không hề gì
|
- Phải viết đúng theo (nhiều) khuôn mẫu, thẳng hàng
|
- Không cần học bài
|
- Phải thuộc bài, làm bài tập về nhà
|
- Không bị ai kiểm tra kết quả học tập |
- Thầy cô bố mẹ thường xuyên kiểm tra bài vở, kết quả học tập
|
- Được chiều chuộng, làm nũng; khen thưởng nhiều hơn trách phạt
|
- Phải tập trung nghe giáo viên dặn dò, giữ im lặng, tuân theo nội quy lớp, có thể bị phạt
|
Những chuyển biến trên nếu xảy ra đột ngột sẽ khiến con bỡ ngỡ, sốc nặng, lo lắng, rụt rè, chán nản, thậm chí sợ hãi trong ngày đầu, tuần đầu đến lớp. Nhưng với một vài chuẩn bị nho nhỏ, cha mẹ sẽ giúp con vượt qua nỗi sợ, tìm thấy niềm vui ở môi trường mới.
Cụ thể, tiến sỹ Pat Spungin chuyên gia về tâm lý trẻ nhỏ và nuôi dạy con chia sẻ: “Trẻ nên học cách ngồi yên, chờ đợi và lắng nghe, học cách tự đi vệ sinh và những kỹ năng chăm sóc bản thân trước khi vào tiểu học. Một đứa trẻ cần có thời gian để hòa nhập”.
Đừng cố bắt ép trẻ làm được ngay các kỹ năng, cha mẹ có cả mùa hè để cùng con rèn thói quen tập trung, giao tiếp giữa thầy - trò, tự ăn uống, rửa tay, buộc dây giày… Hãy là tấm gương tốt cho trẻ nhỏ về sự nề nếp và dạn dĩ.
Chuẩn bị tinh thần, mục tiêu học tập
Khi đã quen với trường lớp, trẻ cũng sẽ sớm nhận ra việc học khó nhằn và nhàm chán, từ chỗ bay nhảy, khám “phá” đồ vật cụ thể, con phải ngồi nghe những nội dung trừu tượng, những giờ học có “kịch bản” na ná nhau. Trong mô hình lớp học truyền thống, áp lực sỉ số, giáo án nghiêm ngặt càng khiến thầy cô gặp khó khăn trong việc chăm sóc từng em, chưa nói đến chuyện gợi cảm hứng yêu thích môn học.
Giáo dục hiện đại đã cho phép giáo viên mở rộng ngữ liệu học tập từ chữ sang hình ảnh, đồ họa, video, trò chơi công nghệ, robot ứng dụng Trí tuệ nhân tạo... Hơn nữa, để học sinh được theo dõi, động viên tốt hơn, nhiều trường đã và đang triển khai mô hình đồng giảng giữa giáo viên nước ngoài và giáo viên Việt Nam tạo bầu không khí thân thiện, mới mẻ và thấu hiểu lẫn nhau. Đó là những yếu tố giúp tăng tốc quá trình con đón nhận kiến thức, cũng như gieo đam mê để trẻ theo đuổi lâu dài”.
Phối hợp với nhà trường, cha mẹ cần là “hậu phương” định hướng rõ ràng cho con về động cơ học tập trong sáng. “Tại sao con phải học? Con không thích học đâu” là phản ứng thường thấy ở trẻ sau một tuần, thậm chí vài hôm đến lớp. Nhưng cha mẹ cần giúp con nhận thức tầm quan trọng của giáo dục như một giai đoạn tích lũy cho tương lai. Thay vì hù dọa con không học giỏi sẽ về quê chăn trâu, trở thành công nhân dọn vệ sinh đường phố... Hãy là bậc cha mẹ văn minh để giải thích rằng, con có thể tạo ra thay đổi tốt đẹp cho cuộc sống của chính mình, người thân, thậm chí người nghèo, người khó khăn trong xã hội.