Làm cha mẹ ai cũng mong con mình hay ăn, chóng lớn. Chính vì lo sợ con còi cọc, ốm yếu nên người lớn thường hay ép trẻ ăn hơn là để trẻ tự đưa ra lựa chọn ăn gì và ăn bao nhiêu.
Cha mẹ nên hiểu rằng, mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt. Chúng có nhu cầu ăn uống hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, hành động ép buộc con phải ăn thêm món này hay món khác không chỉ khiến trẻ sợ ăn hơn mà còn có thể dẫn đến chứng biếng ăn, ăn uống vô độ hoặc béo phì nữa.
Như thế nào thì gọi là ép trẻ ăn?
Việc cung cấp thực phẩm và bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ rất quan trọng. Tuy vậy, nếu hành động này vượt quá mức cần thiết thì gọi là ép trẻ ăn. Định nghĩa này còn được bổ sung bởi các yếu tố cấu thành như:
- Quyết định lượng thức ăn là bao nhiêu, ăn khi nào và những gì trẻ phải ăn.
- Cho bé ăn một lượng lớn thức ăn ngay cả khi trẻ không muốn.
- So sánh con với một đứa trẻ khác hoặc “hối lộ” tiền để trẻ ăn nhiều hơn.
- Bỏ mặc con khi bé năn nỉ mẹ cho ăn ít lại hoặc ăn bù sau đó.
Truy tìm nguyên nhân khiến cha mẹ ép trẻ ăn
Là cha mẹ, tất nhiên chúng ta có nghĩa vụ trong việc nuôi dạy con đúng cách, cho trẻ ăn cũng là một trong số những nghĩa vụ đó. Cùng xem qua những lý do dưới đây để hiểu vì sao các bậc phụ huynh lại có xu hướng ép trẻ ăn nhé!
1. Đơn giản chỉ là để kết thúc cho xong bữa ăn
Hầu hết chúng ta đều có quan niệm thức ăn được lấy ra bao nhiêu thì phải ăn cho bằng hết nhưng điều đó lại không hề đúng với trẻ em. Bởi lẽ, dạ dày của trẻ rất nhỏ và hệ tiêu hóa của chúng thường khá non yếu nên chỉ có thể tiếp nhận một lượng thức ăn nhất định.
2. Khi bắt đầu giới thiệu cho trẻ thực phẩm rắn
Đây là một sai lầm khá phổ biến ở những bà mẹ Việt khi bắt đầu cho trẻ ăn dặm. Chúng ta nên hiểu rằng, việc giới thiệu thức ăn rắn là để giúp trẻ phát triển vị giác, cũng như chọn ra được những gì trẻ thích ăn, hoàn toàn không nhằm để ép trẻ ăn càng nhiều càng tốt!
3. Lo lắng con ăn không đủ no
Trẻ nhỏ tuy ăn ít nhưng các cữ ăn lại diễn ra thường xuyên. Do vậy, bạn nên cân đối bữa ăn sao cho hợp lý thay vì lo sợ trẻ không đủ no mà ép con ăn nhiều một lúc.
4. Đút cho trẻ lớn ăn
Khá nhiều cha mẹ thích đút cho con ăn ngay cả khi chúng có đủ khả năng để tự làm. Điều này khiến bé không tự chủ động khi ăn uống, đồng thời dẫn đến việc ăn quá nhiều.
5. Không nắm bắt được nhu cầu của con
Khi con không chịu ăn, nhiều bậc cha mẹ thay vì tìm hiểu nguyên nhân thì lại thường ép trẻ ăn bởi nghĩ đó mới là điều tốt cho bé. Trên cương vị là cha mẹ, bạn nên hiểu rõ những thực phẩm nào mà con cần hay thích nhất.
6. Giới thiệu thực phẩm mới
Cha mẹ có xu hướng ép con ăn khi giới thiệu cho chúng một loại trái cây, rau quả hoặc món mới. Hành động này thường bắt nguồn dựa trên ý nghĩ trẻ cần ăn nhiều loại thực phẩm thì mới dễ nuôi.
7. So sánh con với con nhà người ta
Lý do này hoàn toàn nằm ở bạn đấy! Đừng vội thấy một đứa trẻ con hàng xóm ăn nhiều rồi sau đó bạn lại ép con mình ăn với lý do: “Người ta làm được sao con không làm được” nhé!
8. Để rèn cho trẻ thói quen ăn uống tốt
Một loại thực phẩm nào đó tốt cho sức khỏe không đồng nghĩa với việc bạn sẽ ép trẻ phải ăn món đó. Nhiều bậc phụ huynh nghĩ rằng để khắc sâu thói quen ăn uống tốt, trẻ cần phải dùng đa dạng một số loại thực phẩm kể cả khi bé không thích chúng.
Hệ quả của việc cha mẹ ép trẻ ăn
Marry Baby hoàn toàn hiểu cho mọi nỗ lực mà bạn làm để nuôi dạy con thật tốt. Tuy nhiên, hành động ép trẻ ăn với những lý do trên sẽ đưa đến những hệ lụy không mong muốn sau:
1. Trẻ dễ bị nôn mửa
Việc bạn cố cho trẻ ăn những thứ trái với mong muốn của bé có thể khiến cho trẻ buồn nôn hoặc nôn.
2. Trẻ có ác cảm với thực phẩm
Nếu bạn cứ liên tục ép trẻ ăn, đến một lúc nào đó, con không những ghét những gì bạn cho bé ăn mà còn hình thành ác cảm với một món ăn nào đấy sau này.
3. Giảm cảm giác thèm ăn
Sự thật là ai trong chúng ta cũng đều ăn khi thấy đói, trẻ em cũng không ngoại lệ. Nhưng nhiều bậc phụ huynh lại không mấy chú ý điểm này nên ép con ăn nhiều hơn. Điều này lại vô tình làm giảm cảm giác thèm ăn ở trẻ.
4. Trẻ bộc lộ những cảm xúc tiêu cực
Việc ép con ăn uống quá độ sẽ dẫn đến tình trạng trẻ bộc phát những cảm xúc tiêu cực có thể với thức ăn hoặc thậm chí là cả cha mẹ, người thân.
5. Dẫn đến thói quen ăn uống không lành mạnh
Việc ép con ăn có thể làm cho trẻ hình thành các thói quen ăn uống xấu. Bởi lẽ chúng thường có ác cảm với thực phẩm lành mạnh trong quá khứ.
6. Không kiểm soát được thói quen ăn uống
Một trong những ảnh hưởng tiêu cực nhất của việc ép trẻ mới biết đi hoặc trẻ lớn ăn là chúng có thể bị mất kiểm soát thói quen ăn uống sau này. Từ đó, trẻ có thể gặp tình trạng rối loạn ăn uống như chán ăn, hội chứng cuồng ăn… Mặt khác, khi lớn lên trẻ thường có ít lựa chọn thực phẩm để dùng hơn.
7. Ảnh hưởng bên ngoài xã hội
Khi bị ép ăn, trẻ có thể cảm thấy lạc lõng và thiếu kiểm soát cuộc sống. Một số trẻ còn tỏ ra tự ti, nhút nhát.
Để thôi ép trẻ ăn, cha mẹ cần làm gì?
Với trẻ mới biết đi hoặc trẻ lớn hơn, việc ép các bé ăn có thể dẫn đến nhiều vấn đề thể chất, cảm xúc và sinh lý. Do vậy, điều quan trọng là phải thấu hiểu vì sao bạn ép trẻ ăn và tìm cách hạn chế hành vi như vậy.
Nếu bạn cảm thấy con bạn ăn ít hơn so với trẻ đồng trang lứa, không chịu ăn, mải chơi hơn là ăn thì đó là điều hết sức bình thường. Bạn nên bình tĩnh và đừng quá lo lắng. Lúc này, bạn có thể thử một số biện pháp sau để giúp con ăn uống đúng cách:
- Cùng ăn với con
- Hãy kiên nhẫn khi giới thiệu một loại thực phẩm mới
- Nếu trẻ không tập trung ăn, hãy cố tìm cách thu hút sự chú ý của trẻ
- Quan trọng hơn cả là sự kiên nhẫn.
Ngoài ra, để khắc sâu thói quen ăn uống tốt ở trẻ, chính bản thân bạn nên là một hình mẫu tốt. Bên cạnh đó, hãy để cho trẻ tự quyết định thời gian cho mỗi bữa ăn, sở thích ăn uống cũng như các yếu tố khác. Có như vậy, trẻ mới mau chóng tự ý thức được đâu là những thói quen tốt cần thực hiện.
Có nên ép trẻ ăn nếu con thuộc dạng kén ăn?
Với trường hợp trẻ kén ăn, điều đầu tiên cần làm là tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến điều này. Từ đó, bạn có thể ứng phó tốt hơn trong mọi tình huống ăn uống của bé.
Ngay cả khi trẻ đang mải mê với một thứ gì đó và bỏ quên bữa, tốt nhất bạn hãy để trẻ một mình. Bé sẽ tự giác đòi ăn khi thấy đói.
Bạn cần nhớ rằng, cho trẻ dùng những thực phẩm lành mạnh là điều tốt, nhưng không có nghĩa là bạn phải ép trẻ ăn. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm ý kiến bác sĩ nếu trẻ thường xuyên gặp khó khăn khi dùng bữa.