Bệnh trầm cảm ở trẻ em là căn bệnh hiện đại ngày càng xuất hiện nhiều. Ảnh Internet
1. Bệnh trầm cảm ở trẻ em có triệu chứng như thế nào
Có một thực tế mà chúng ta không thể làm ngơ, đó là trầm cảm không chỉ “tấn công” người trưởng thành. Nó có thể xuất hiện và ảnh hưởng đến cả trẻ em nữa.
Cũng giống như người lớn, việc phát hiện và giúp đỡ trẻ sớm là rất quan trọng. Bạn hãy chú ý một số dấu hiệu có thể là triệu chứng của trầm cảm sau:
- Trẻ buồn bã hoặc có tâm trạng không tốt và tình trạng này không cải thiện
- Trẻ thường xuyên cáu kỉnh, gắt gỏng
- Trẻ không còn hứng thú với những thứ con đã từng thích
- Trẻ lúc nào cũng thấy mệt mỏi và kiệt sức
Một số biểu hiện khác ở trẻ có thể gồm:
- Trẻ khó ngủ hoặc ngủ nhiều hơn bình thường
- Trẻ không tập trung
- Trẻ ít giao tiếp với gia đình, bạn bè và người xung quanh
- Trẻ thường xuyên lưỡng lự khi phải quyết định điều gì đó
- Trẻ thiếu tự tin
Trẻ thiếu tự tin. Ảnh Internet
- Trẻ chán ăn hoặc ăn nhiều hơn bình thường
- Trẻ thay đổi cân nặng một cách đột ngột
- Trẻ dường như khó thả lỏng hoặc trẻ thờ ơ quá mức
- Trẻ thường xuyên nói về việc cảm thấy có lỗi hoặc vô dụng
- Trẻ thấy trống rỗng hoặc không biểu lộ cảm xúc
- Trẻ có ý định tự tử hoặc tự làm tổn thương bản thân
- Trẻ thực sự làm tổn thương bản thân như tự cắt tay, chân hay uống thuốc quá liều
Một số trẻ có thể bị cả về rối loạn lo lắng và trầm cảm.
Một số có thể biểu hiện triệu chứng thể lý như đau đầu hay đau dạ dày.Những vấn đề phát sinh tại trường học cũng có thể là dấu hiệu trầm cảm của trẻ, đặc biệt là trẻ ở độ tuổi thiếu niên.
Những trẻ lớn bị trầm cảm còn có khả năng lạm dụng thuốc hoặc rượu.
Trẻ thấy trống rỗng. Ảnh nguồn Smartparents
2. Nguyên nhân gây bệnh trầm cảm ở trẻ em
Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng trầm cảm ở trẻ. Trong đó một số yếu tố đặc biệt làm tăng nguy cơ trẻ mắc bệnh này, bao gồm:
- Gia đình bạn đang gặp khó khăn hoặc vấn đề nghiêm trọng
- Trẻ bị bắt nạt
- Trẻ bị lạm dụng tình dục
- Thành viên gia đình bạn có tiền sử bị trầm cảm, hoặc các vấn đề khác về sức khỏe tâm thần
Đôi khi trầm cảm được “kích hoạt” bởi một sự kiện khó khăn nào đó. Ví dụ như cha mẹ ly thân, ly hôn, mất người thân. Hoặc trẻ gặp các vấn đề về trường học hay với các trẻ khác.
Thường thấy nhất là trẻ bị trầm cảm do tác động của nhiều yếu tố cùng lúc. Ví dụ, trẻ có xu hướng bị trầm cảm do tiền sử của gia đình. Đồng thời trẻ cũng trải qua các sự kiện khó khăn khác trong cuộc sống.
Trẻ bị bắt nạt. Ảnh nguồn The Philadenphia Inquirer
3. Bệnh trầm cảm ở trẻ nguy hiểm như thế nào
Bệnh trầm cảm ở trẻ em là một dạng rối loạn tâm lý. Nó biểu hiện chính qua những thay đổi về mặt tâm lý, cảm xúc, tinh thần của trẻ. Những dấu hiệu về mặt thể lý thường không rõ ràng. Do vậy bạn, thậm chí là chính bản thân trẻ có thể không nhận ra mình đang bị trầm cảm. Việc này làm cho sự can thiệp, giúp đỡ trẻ đôi khi quá muộn.
Lúc này trẻ có thể bị ảnh hưởng nhiều mặt. Từ chất lượng cuộc sống hàng ngày đến các mối quan hệ với gia đình và xã hội. Điều này rất nguy hiểm vì sẽ để lại hậu quả lâu dài đối với cuộc sống sau này của trẻ. Tiêu biểu nhất là thái độ và hành động tiêu cực đối với chính bản thân và người xung quanh.Chính vì vậy, nhận biết và điều trị cho trẻ kịp thời là việc cực kỳ quan trọng mà bạn cần làm.
Trẻ bị trầm cảm có thể bị ảnh hưởng nhiều mặt. Ảnh nguồn Completehalthnews
4. Bạn nên làm gì đối với bệnh trầm cảm ở trẻ
Tình trạng trầm cảm và các vấn đề về tâm lý khác có thể được cải thiện nếu trẻ được quan tâm và chăm sóc đúng cách. Nếu không, mọi thứ sẽ tiếp diễn và trở nên tệ hơn.
Nếu thấy trẻ có các dấu hiệu liên quan đến trầm cảm, bạn nên:
- Trò chuyện với trẻ : Khi bạn đề cập đến trầm cảm, sự căng thẳng hay tâm trạng của trẻ, con có thể phản đối, trốn tránh hay từ chối cho bạn biết cảm xúc của mình. Thậm chí, có khả năng trẻ không nhận ra hoặc không ý thức được mình đang gặp vấn đề về tâm lý. Điều này khá dễ hiểu đối với trẻ nhỏ. Trẻ lớn hơn có thể tỏ ra mình không muốn hoặc không cần giúp đỡ. Dù trẻ có thái độ như thế nào, bạn vẫn cần kiên nhẫn trò chuyện với con. Hãy lắng nghe, thể hiện tình yêu và cho trẻ thấy bạn sẵn sàng giúp đỡ con bất kể lúc nào.
- Sắp xếp một cuộc hẹn với bác sĩ của trẻ : Bác sĩ là người có chuyên môn để đánh giá các vấn đề của trẻ một cách chính xác nhất. Họ sẽ thực hiện các cuộc kiểm tra cần thiết để xác định nguyên nhân dẫn đến những triệu chứng – có thể là của bệnh trầm cảm. Nếu bác sĩ nghĩ rằng trẻ đang thực sự bị trầm cảm hoặc những tình trạng khác về sức khỏe tâm thần. Họ sẽ đề nghị bạn đưa trẻ đến gặp chuyên gia về lĩnh vực này
Bạn hãy trò chuyện với trẻ. Ảnh Internet
- Liên lạc với bác sĩ trị liệu về tâm lý theo như bác sĩ nhi của trẻ hướng dẫn : Tình trạng của trẻ tất nhiên có thể được cải thiện nếu được giúp đỡ đúng cách. Nếu không, mọi thứ sẽ kéo dài và trở nên tệ hơn những gì bạn có thể tưởng tượng. Một bác sĩ tâm thần hay một nhà tâm lý học sẽ đánh giá được tình trạng của trẻ một cách chính xác và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.
Họ sẽ sử dụng liệu pháp trò chuyện, dùng thuốc hay kết hợp cả hai đối với trẻ. Việc tư vấn cho cha mẹ cũng là một phần của quá trình điều trị. Nó sẽ tập trung hướng dẫn cha mẹ cách tốt nhất để hỗ trợ và phản ứng với trẻ khi con đang trải qua thời kì khó khăn
Việc điều trị chuyên môn đối với tình trạng trầm cảm ở trẻ em là rất quan trọng. Nhưng vai trò của bạn đối với trẻ tại nhà cũng quan trọng không kém. Những việc làm tưởng chừng đơn giản của bạn lại có thể giúp ích cho trẻ rất nhiều. Chúng bao gồm:
- Đảm bảo trẻ được cung cấp đủ dinh dưỡng, ngủ dủ giấc và tập luyện thể thao điều độ.
Khuyến khích trẻ chơi thể thao. Ảnh Internet
- Dành nhiều thời gian cho trẻ. Bạn hãy cùng với trẻ thực hiện những hoạt động mà cả đều thấy vui thích. Đó có thể là cùng đi bộ, chơi trò chơi, nấu ăn, làm thiệp hay xem một bộ phim thú vị,…Bạn hãy nhẹ nhàng khuyến khích trẻ thể hiện những cảm xúc, tâm trạng tích cực (như sự thư giãn, hài lòng, vui vẻ, tận hưởng). Việc này sẽ dần giúp trẻ vượt qua những tâm lý căng thẳng, cảm xúc tiêu cực, vốn là một phần của bệnh trầm cảm.
- Kiên nhẫn và ân cần với trẻ. Khi trầm cảm khiến trẻ trở nên gắt gỏng và cáu kỉnh, bạn cũng dễ tức giận và thất vọng. Lúc này, hãy nhắc nhở bản thân rằng đó là một phần của trầm cảm, chứ không phải trẻ đang tỏ ra thiếu tôn trọng bạn. Bạn hãy tránh la mắng hay đối xử gay gắt với trẻ. Ngược lại, bạn nên cố gắng kiên nhẫn và thấu hiểu. Một mối quan hệ tích cực đối với cha mẹ, người thân sẽ giúp củng cố khả năng phục hồi của trẻ đối với bệnh trầm cảm.
Bạn hãy kiên nhẫn và ân cần với trẻ. Ảnh Internet
Bệnh trầm cảm ở trẻ em là một dạng bệnh tâm lý rất nguy hiểm với trẻ. Nó không những ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hiện tại của trẻ mà còn đến tương lai lâu dài của con. Bạn đừng nên chủ quan lơ là. Hãy luôn bên cạnh, quan sát quá trình phát triển của trẻ để có thể nhận biết được những thay đổi ở con dù là nhỏ nhất. Như vậy, bạn sẽ hạn chế được những ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ. Đồng thời giúp con tránh nguy cơ mắc phải những vấn đề như trầm cảm, bạn nhé.
Theo NHS & Kid's Health
Lily Nguyễn lược dịch