Bệnh táo bón ở trẻ là nỗi lo thường trực của mọi bà mẹ. Ảnh Internet
1. Bệnh táo bón ở trẻ em là gì
Táo bón là khi trẻ đi tiêu ít hơn bình thường và phân rất cứng. Đây là một vấn đề về tiêu hóa (GI – gastrointestinal) khá phổ biến.
Các dấu hiệu cho thấy trẻ bị bệnh táo bón bao gồm:
- Trẻ có nhu động ruột ít hơn bình thường: táo bón được định nghĩa là trẻ có ít hơn 3 lần đi tiêu một tuần. Số lần đi tiêu có thể khác nhau ở mỗi đứa trẻ, nhưng một sự thay đổi khác với bình thường có nghĩa là có một vấn đề nào đó đã xảy ra.
- Trẻ đi phân cứng và đôi khi khá lớn.
- Trẻ khó hoặc đau mỗi lần rặn khi đi tiêu.
Trẻ đi phân cứng và đôi khi khá lớn là dấu hiệu cho thấy con bị táo bón. Ảnh Internet
2. Nguyên nhân phổ biến dẫn đến trẻ bị táo bón
Phân bị cứng và khô khi ruột già hấp thụ quá nhiều nước từ chúng.
Thông thường, khi thức ăn di chuyển qua ruột kết, đại tràng sẽ hút nước trong khi nó tạo ra phân. Sự co thắt sẽ đẩy phân về phía trực tràng. Khi phân đến trực tràng, phần lớn nước đã bị hấp thụ. Phân lúc này đã ở dạng rắn.
Khi trẻ bị táo bón, sự co thắt của đại tràng diễn ra chậm khiến phân cũng di chuyển chậm lại. Đại tràng hấp thụ quá nhiều nước làm cho phân trở nên cứng và khô.Một khi trẻ bị táo bón, vấn đề có thể nhanh chóng trở nên tồi tệ. Phân cứng và khô khiến trẻ bị đau khi đi vệ sinh và do đó, không còn muốn vào toilet nữa. Nếu kéo dài, độ nhạy và phản ứng của đại tràng sẽ giảm đi khiến nó không còn cảm nhận được phân ở đó nữa.
Có nhiều lý do có thể gây táo bón ở trẻ, trong đó một số nguyên nhân phổ biến về chế độ ăn và lối sống bao gồm:
2.1. Chế độ ăn
- Trẻ ăn quá nhiều thực phẩm giàu chất béo và ít chất xơ như đồ ăn nhanh, đồ ăn vặt và nước ngọt
- Trẻ không uống đủ nước và chất lỏng khác
- Có sự thay đổi trong chế độ ăn của trẻ. Bao gồm cả khi trẻ chuyển từ sữa mẹ sang sữa công thức, hay khi trẻ bắt đầu ăn thức ăn đặc
Trẻ ăn nhiều thức ăn nhanh dễ bị táo bón. Ảnh Internet
2.2. Trẻ thiếu vận động
Trẻ em xem TV cũng như ngồi trước thiết bị công nghệ nhiều sẽ bị thiếu vận động. Sự vận động rất quan trọng và cần thiết vì nó giúp quá trình tiêu hóa diễn ra tốt hơn.
2.3. Các vấn đề về cảm xúc
Các vấn đề về cảm xúc cũng là yếu tố góp phần gây ra táo bón ở trẻ:
- Một số trẻ khá nhạy cảm không muốn sử dụng nhà vệ sinh nơi công cộng (như trường học hay những địa điểm khác), do vậy chúng thường “nhịn” đi vệ sinh và lâu dần, dẫn đến tình trạng táo bón.
- Trẻ trải qua khoảng thời gian cai tã và kì “huấn luyện” đi vệ sinh. Đây là một thời gian khó khăn đối với nhiều trẻ
- Trẻ đang có vấn đề về việc khẳng định “vị thế” của mình với cha mẹ. Không hiếm các trường hợp trẻ “không thèm” đi vệ sinh để “uy hiếp phụ huynh.
- Trẻ bị căng thẳng vì trường học, thầy cô hay bạn bè.
2.4. Trẻ quá “bận rộn”
- Một số trẻ em không chú ý đến các tín hiệu của cơ thể báo cho chúng biết chúng cần đi vệ sinh. Điều này có thể xảy ra khi trẻ quá mải chơi dẫn đến quên cả đi đại tiện.
- Táo bón cũng có thể là một vấn đề khi bắt đầu năm học mới. Trẻ em thường đi vệ sinh bất cứ khi nào chúng cần, và việc thay đổi thói quen cho phù hợp với giờ học có thể khiến trẻ bị ức chế.
Trẻ quá mải chơi không chú ý đi vệ sinh khi cần cũng có thể gây ra táo bón. Ảnh Internet
2.5. Các vấn đề về thể lý
Trong những trường hợp hiếm gặp, táo bón có thể xảy ra do các vấn đề về thể lý nghiêm trọng hơn, bao gồm:
- Các vấn đề về đường ruột, trực tràng hoặc hậu môn
- Các vấn đề về thần kinh chẳng hạn như bại não
- Các vấn đề về nội tiết chẳng hạn như suy tuyến giáp
- Tác dụng của các loại thuốc chẳng hạn như bổ sung sắt, thuốc chống trầm cảm hay thuốc ngủ như codein
3. Triệu chứng thường gặp của bệnh táo bón ở trẻ
Các triệu chứng của bệnh táo bón có thể khác nhau một chút ở mỗi đứa trẻ, bao gồm:
- Trẻ không đi vệ sinh trong vài ngày
- Trẻ đi phân cứng và khô
- Trẻ bị đầy bụng chuột rút hoặc đau bụng
- Trẻ không cảm thấy đói
- Trẻ có biểu hiện cố nhịn đi đại tiện ví dụ như nghiến răng, bắt tréo chân, siết chặt mông hay đỏ mặt
- Trẻ bị són phân lỏng
Các triệu chứng trên cũng có thể là dấu hiệu của một tình trạng sức khỏe khác, vì vậy bạn cần chú ý và đưa trẻ đến gặp bác sỹ để thăm khám sớm.
Triệu chứng thường gặp của bệnh táo bón ở trẻ là con không thấy đói. Ảnh Internet
4. Bệnh táo bón ở trẻ được chẩn đoán như thế nào
Khi bạn đưa trẻ đến cơ sở y tế hoặc bác sỹ để thăm khám về bệnh táo bón, bác sỹ sẽ hỏi về những vấn đề liên quan như: chế độ ăn uống, tần suất đi vệ sinh, tác động về tâm lý (nếu có), và các vấn đề cần thiết khác. Tùy theo tình trạng của trẻ mà các xét nghiệm có thể được chỉ định, bao gồm:
- Khám trực tràng : bác sỹ có thể dùng ngón tay (đeo găng và có bôi trơn) đưa vào trực tràng của trẻ xem có gì bất thường không.
- Chụp X-quang bụng : phương pháp này giúp xác định lượng phân bị ứ đọng trong ruột già của trẻ.
- Chụp X-quang có thuốc cản quang : bác sỹ sẽ bơm huỳnh quang (Barium) vào hậu môn sau đó bơm phồng ruột lên và chụp hình để nhận biết có điểm gì bất thường ở thành ruột già của trẻ không.
- Đo áp lực hậu môn trực tràng : đối với xét nghiệm này, bác sỹ sẽ đặt một loại ống chuyên dụng vào trực tràng để kiểm tra mức độ nhạy cảm của trực tràng, cũng như khả năng hoạt động của cơ vòng hậu môn.
- Sinh thiết trực tràng : mẫu tế bào trong trực tràng sẽ được thu thập để kiểm tra xem có gì bất thường hay không.
- Soi đại tràng sigma : giúp kiểm tra một phần bên trong của ruột già để tìm nguyên nhân gây tiêu chảy, táo bón, tăng sinh bất thường và chảy máu.
- Nghiên cứu quá cảnh đại trực tràng : bác sỹ sẽ cho trẻ uống một loại thuốc chứa các hoạt chất dễ nhìn thấy khi chụp X-quang. Sau 3-7 ngày uống thuốc, việc chụp X-quang sẽ được thực hiện để xem xét quá trình di chuyển của thuốc qua đại tràng, từ đó biết được sự di chuyển tương tự của thức ăn.
- Nội soi đại tràng : phương pháp này giúp quan sát toàn bộ chiều dài của ruột già để phát hiện sự bất thường.
- Thử nghiệm trong phòng thí nghiệm : một số thử nghiệm có thể được thực hiện trong phòng thí nghiệm để tìm kiếm chuyên sâu các vấn đề bất thường có thể gây ra tình trạng táo bón ở trẻ.
Khi đi khám, bác sỹ sẽ hỏi chi tiết về chế độ ăn uống, tần suất đi vệ sinh của trẻ và các vấn đề cần thiết khác. Ảnh Internet
5. Bệnh táo bón ở trẻ được điều trị như thế nào
Việc điều trị bệnh táo bón ở trẻ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng táo bón cũng như độ tuổi và sức khỏe chung của trẻ. Nó bao gồm sự thay đổi về chế độ ăn và lối sống cụ thể như:
5.1. Sự thay đổi chế độ ăn
Thường việc thay đổi chế độ ăn của trẻ sẽ giúp cải thiện tình trạng táo bón. Bạn hãy giúp trẻ ăn nhiều chất xơ hơn bằng cách:
- Bổ sung nhiều rau và trái cây vào chế độ ăn của trẻ
- Bổ sung ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm chế biến từ ngũ cốc nguyên hạt vào bữa ăn của trẻ. Đồng thời bạn nên kiểm tra nhãn hàng thực phẩm để lựa chọn các sản phẩm chứa nhiều chất xơ hơn.
Bạn có thể lựa chọn những thực phẩm chứa lượng chất xơ vừa phải đến cao cho trẻ ví dụ như:
Thực phẩm chứa lượng chất xơ vừa phải:
- Bánh mì : bánh mì và các loại bánh làm từ lúa mì, ngũ cốc nguyên hạt, bánh granola (làm từ yến mạch, các loại hạt, chất làm ngọt như mật ong hay đường nâu, gạo phồng), bỏng ngô,…
- Ngũ cốc : các loại ngũ cốc nguyên cám như lúa mì, yến mạch, granola,…
- Các loại rau như : củ cải đường, bông cải xanh, mầm cải Brussels, bắp cải, cà rốt, bắp ngô, đậu xanh, đậu hà lan, rau bina, khoai tây cả vỏ, bơ, bí, hạt dẻ,…
- Các loại trái cây như : táo cả vỏ, chà là, đu đủ, xoài, xuân đào, cam, lê, kiwi, dâu, mâm xôi, nho khô
- Thực vật giàu đạm như : bơ đậu phộng, các loại hạt
Các loại hạt rất tốt cho tiêu hóa của trẻ. Ảnh Internet
Thực phẩm chứa lượng chất xơ khá cao:
- Ngũ cốc : các loại ngũ cốc nguyên cám
- Trái cây : mận nấu chín, sung khô
- Thực vật giàu đạm như : đậu rang, đậu đen, đậu garbanzo, đậu lima, đậu pinto, đậu thận,…
Những thay đổi khác về chế độ ăn uống bao gồm:
- Cho trẻ uống nhiều chất lỏng, đặc biệt là nước
- Hạn chế đồ ăn nhanh và đồ ăn vặt nhiều chất béo
- Cung cấp cho trẻ bữa ăn cân bằng giữa các nhóm chất và các loại thức ăn nhẹ lành mạnh
- Hạn chế đồ uống chứa caffein như soda hay nước ngọt có ga
- Hạn chế cho trẻ uống sữa nguyên kem
Bạn cũng nên cho trẻ ăn uống theo lịch trình để kích thích nhu động ruột. Ăn một bữa ăn thường sẽ gây ra nhu động ruột trong vòng 30-60 phút. Một bữa sáng ăn sớm ở nhà có thể giúp trẻ đi vệ sinh ở nhà trước khi đi học.
Cho trẻ uống nhiều nước sẽ giảm táo bón. Ảnh Internet
5.2. Khuyến khích trẻ tăng cường vận động
Bạn hãy khuyến khích trẻ tăng cường vận động để kích thích sự tiêu hóa. Hãy cho trẻ ra ngoài chơi tại các sân chơi và hạn chế thời gian trẻ ngồi trước TV hay thiết bị công nghệ như điện thoại thông minh, máy tính bảng hay máy tính.
5.3. Tập cho trẻ thói quen đi vệ sinh
Bạn hãy khuyến khích trẻ ngồi bồn vệ sinh 2 lần mỗi ngày (sau bữa ăn), và 10 phút mỗi lần để giúp trẻ tạo thói quen đi vệ sinh. Bạn đừng nổi giận khi trẻ vào nhà vệ sinh mà không “đi” vì việc này sẽ tạp thêm áp lực khiến trẻ căng thẳng, và có thể làm cho tình trạng táo bón (nếu trẻ đang mắc phải) trở nên tệ hơn.
Trong quá trình giúp trẻ hình thành thói quen đi vệ sinh , bạn hãy cố gắng làm cho mọi thứ trở nên vui vẻ để trẻ cảm thấy thật thoải mái.
Khi những cố gắng của bạn không giúp tình trạng táo bón của trẻ cải thiện, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sỹ về việc sử dụng thuốc nhuận tràng, thuốc làm mềm phân hay thuốc xổ. Bạn không nên tự ý sử dụng những loại thuốc này mà cần có ý kiến của bác sỹ trước khi cho trẻ sử dụng.
Tập cho trẻ thói quen đi vệ sinh. Ảnh Internet
6. Biến chứng của bệnh táo bón
Bệnh táo bón hoàn toàn có thể có biến chứng nguy hiểm cho trẻ. Phân cứng có thể gây kích ứng hoặc làm rách niêm mạc hậu môn khiến trẻ bị đau thậm chí chảy máu khi đi vệ sinh. Điều này khiến trẻ sợ và cố nhịn dẫn đến tình trạng táo bón trở nên trầm trọng hơn.
7. Có thể phòng ngừa bệnh táo bón ở trẻ không
Bạn có thể phòng ngừa bệnh táo bón ở trẻ bằng cách bổ sung đủ chất xơ cho trẻ trong những giai đoạn chuyển tiếp như chuyển từ sữa mẹ qua sữa công thức, bắt đầu ăn dặm hay tập cho trẻ đi vệ sinh.
Ngoài ra, bạn hãy áp dụng những cách sau:
- Tập thói quen đi vệ sinh hàng ngày cho trẻ
- Cho trẻ ăn uống các thực phẩm lành mạnh
- Cho trẻ vận động thường xuyên
Tất cả những phương pháp được áp dụng để điều trị táo bón cho trẻ cũng có thể giúp ngăn chặn tình trạng này xảy ra.
Cùng trẻ vận động để ngăn ngừa táo bón. Ảnh Internet
8. Sống chung với “lũ” như thế nào
Một điều đáng mừng là hầu hết tình trạng táo bón ở trẻ đều là ngắn hạn, chỉ một số ít là mãn tính. Nếu trẻ bị táo bón mãn tính, bạn hãy làm việc với bác sỹ của trẻ để xây dựng một kế hoạch chăm sóc phù hợp với trẻ.
9. Khi nào bạn cần đưa trẻ đi thăm khám về tình trạng táo bón
Bạn hãy tham khảo ý kiến bác sỹ hoặc đưa trẻ đi khám nếu trẻ có những biểu hiện sau:
- Trẻ bị táo bón hơn 2 tuần
- Trẻ không thể hoạt động bình thường vì táo bón
- Trẻ không thể đẩy phân ra ngoài khi rặn bình thường
- Trẻ bị són phân hoặc chất lỏng khỏi hậu môn
- Trẻ bị rách, nứt ở vùng da quanh hậu môn
- Trẻ có các tĩnh mạch bị đỏ, sưng ở trực tràng
- Trẻ bị đau bụng, sốt hoặc nôn
Nếu trẻ bị táo bón kéo dài hơn 2 tuần, bạn cần mang con đi bác sỹ. Ảnh Internet
Bệnh táo bón ở trẻ em có thể trở thành nỗi ám ảnh đối với trẻ vì chúng chưa ý thức được mức độ nghiêm trọng và khả năng ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe, cũng như những sinh hoạt của mình. Vì vậy, bạn hãy lưu ý đến những biểu hiện của con để can thiệp và điều chỉnh một cách kịp thời. Điều này vừa giúp phòng ngừa việc trẻ bị táo bón vừa giúp tránh khiến tình trạng của con trở nên nặng hơn và giảm nỗi lo lắng thường trực của cha mẹ về bệnh phổ biến này.
Theo Hopskin Medicine
Lily Nguyễn lược dịch