Theo bác sĩ Lê Thu Hoài, hiện đang công tác tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội): Khi bị sởi, trẻ thường lười ăn, vì vậy cha mẹ nên nấu các loại cháo, soup, thức ăn dễ tiêu để cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày. Hơn nữa, vì có nhiều trẻ nốt sởi mọc ngay trong đường ruột, nên nếu ăn thức ăn cứng thì rất nguy hiểm, có thể gây chảy máu dạ dày, cho nên cho trẻ ăn thức ăn mềm là hợp lí nhất.
|
(Ảnh: Hopewood Lifestyle) |
Về nhu cầu dinh dưỡng, trẻ bị sởi cần được cung cấp đầy đủ, đa dạng thực phẩm (đủ 4 nhóm là: nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm chất bột đường, nhóm cung cấp vitamin và chất khoáng với 15 - 20 loại thực phẩm mỗi ngày). Cha mẹ, ông bà không nên quá kiêng khem để có thể bù lại các chất dinh dưỡng mất đi (đặc biệt là năng lượng và protein) do quá trình nhiễm trùng và tiến triển của bệnh.
Phụ huynh nên cho trẻ ăn những loại thực phẩm giàu đạm như thịt, cá (cá chép, cá quả, cá bông lau, cá hồi...), trứng, sữa, hải sản… Đây cũng là những thực phẩm có nguồn kẽm và sắt dồi dào, giúp tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng rất tốt. Trong trường hợp trẻ bị biến chứng tiêu chảy hoặc viêm phổi thì cha mẹ cần bổ sung kẽm theo hướng dẫn cụ thể của bác sĩ.
|
(Ảnh: ViCare) |
Một số loại loại rau, quả có màu vàng, đỏ (cà rốt, cà chua, bí đỏ, cam...) hay các loại rau có lá xanh sẫm (rau ngót, rau dền đỏ, cải bó xôi, xúp lơ xanh...) cũng rất tốt cho tình trạng bệnh của trẻ lúc này. Vì chúng chứa nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin A, C..., có tác dụng tăng cường miễn dịch, chống nhiễm trùng và làm lành các tổn thương nhanh chóng.
Với riêng những trẻ đang trong thời kì bú mẹ thì cần cho trẻ bú thường xuyên hơn để có đề kháng trong 9 tháng đầu đời. Còn nếu như người mẹ chưa bị sởi hoặc chưa tiêm phòng sởi thì sẽ không có được miễn dịch sởi tự nhiên cho con. Lúc này, cha mẹ cần tập trung nhiều hơn vào chế độ dinh dưỡng cũng như nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế.
|
(Ảnh: California Fitness & Yoga Centers) |
THỰC PHẨM TRẺ BỊ SỞI NÊN KIÊNG
Cũng theo bác sĩ Lê Thu Hoài, trẻ em đang bị bệnh sởi thì không nên sử dụng các món ăn có gia vị cay nóng như ớt, hạt tiêu, quế, hành tây, tỏi.… Những thực phẩm này có tác dụng trợ nhiệt, động huyết, nên dễ gây ra những phản ứng bất lợi cho người bệnh sởi.
Phụ huynh cũng cần hạn chế các thức ăn chứa nhiều chất béo, các món chiên xào nhiều dầu mỡ, đồ ăn nướng, xông khói, nội tạng động vật hay bánh kem, chocolate… Vì đây là những thức ăn dễ sinh đàm nhiệt, thấp nhiệt, động hỏa, không hề có lợi cho người bệnh sởi.
|
(Ảnh: baomoi) |
Trong trường hợp trẻ bị dị ứng khi ăn các thức ăn (như trái cây sấy khô, các loại hải sản như cua, mực, cá biển, đậu phộng, pho mát, sữa, trứng, phụ gia thực phẩm, các chất cay nóng, gây kích thích) thì phụ huynh nên tránh tuyệt đối, không được dùng để chế biến thành các món ăn cho trẻ.