Bệnh lý hay gặp ở trẻ khi thời tiết từ nóng chuyển sang mưa và lạnh
Sốt xuất huyết, sốt siêu vi
Mùa mưa là thời điểm để muỗi sinh sôi và phát triển. Muỗi cũng là nguyên nhân trực tiếp lan truyền bệnh sốt xuất huyết. Dịch sốt xuất huyết thường cao điểm vào những tháng mưa nhiều. Ở nước ta hiện nay ghi nhận nhiều ca sốt xuất huyết tăng cao, đặc biệt là ở TP. Hồ Chí Minh. Tình hình dịch diễn tiến phức tạp, xuất hiện nhiều ca bệnh sốt xuất huyết nặng, tử vong cả ở người lớn và trẻ em.
Bệnh đường hô hấp
Trẻ em thường gặp các bệnh về đường hô hấp vào mùa mưa. Tình trạng viêm phế quản, tiểu phế quản, ho kéo dài làm cho trẻ khó chịu, bỏ bú, bỏ ăn.
Bệnh đường tiêu hóa: tiêu chảy
Điều kiện thời tiết cùng với việc bảo quản thực phẩm không đúng cách làm cho thực phẩm dễ bị ôi thiu. Nếu ăn phải đồ ăn này, trẻ dễ bị đau bụng và tiêu chảy nhiễm trùng. Các bệnh lý xảy ra do tác nhân gây bệnh, thêm vào đó là hệ miễn dịch của trẻ em còn non nớt, sức đề kháng kém. Khi nhiễm bệnh, trẻ có triệu chứng như sốt, ho, chán ăn, bỏ ăn, tiêu chảy làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là quá trình phát triển.
Th.S BS. Đặng Ngọc Hùng giảng bài về dinh dưỡng cho học viên.
Cách phòng ngừa
Để phòng ngừa bệnh, người lớn cần chú ý chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ trong thời gian này. Chú ý tăng cường sức đề kháng và miễn dịch cho trẻ, như:
- Xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân bằng:
+ Đối với trẻ dưới 6 tháng cần được bú sữa mẹ hoàn toàn. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo nhất, chứa đầy đủ chất dinh dưỡng cũng như kháng thể giúp bé chống lại các loại bệnh truyền nhiễm trong giai đoạn đầu đời. Từ 6 tháng trở lên, sữa mẹ không còn đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng nên cần được bổ sung thêm các loại thực phẩm khác để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho trẻ.
+ Ăn thực phẩm giàu axit amin: Chất này có trong các loại thịt, cá, trứng, sữa,... đặc biệt là cá biển có chứa Omega3 rất tốt cho hệ miễn dịch cũng như sự phát triển trí não của trẻ.
+ Ăn nhiều rau xanh và trái cây: Từ 6 tháng nên tập cho trẻ ăn rau xanh, trái cây để trẻ quen dần với vị của các loại rau, củ, quả. Gia đình nên tạo “văn hóa ăn rau”, nên để trẻ ăn chung gia đình để trẻ tập theo thói quen của người lớn. Các loại rau như: cải xoăn, rau mầm, cải bó xôi, cà rốt, bông cải xanh, khoai lang, khoai tây... và các loại trái cây: chuối, cam, nho, việt quất... là nguồn vitamin và khoáng chất dồi dào.
+ Sử dụng thêm các loại thực phẩm có lợi cho hệ tiêu hóa: Sữa chua có chứa các loại men vi sinh giúp cân bằng hệ tiêu hóa, chất dinh dưỡng được hấp thu tốt hơn, tiêu diệt những vi khuẩn có hại trong đường ruột.
+ Bổ sung thêm các loại Vitamin C, D. Vitamin C có nhiều trong các loại trái cây như: bưởi, ổi, cam, chanh, kiwi... Vitamin D thường có trong các loại cá chép, lươn, sữa... Các loại hạt như óc chó, hạnh nhân cung cấp các loại vitamin E và viatmin nhóm B, khoáng chất thiết yếu xây dựng hệ miễn dịch.
+ Nên đa dạng các loại thức ăn, luôn thay đổi để trẻ không bị chán và kích thích vị giác.
+ Uống đủ lượng nước hàng ngày: Nên tập thói quen uống nước đều đặn, từng ngụm nhỏ kể cả khi bé chưa thấy khát nước. Ngoài nước trong các loại đồ uống, nước cũng có trong các loại thực phẩm ăn hàng ngày. Cho trẻ ăn uống đúng giờ giấc cố định.
Th.S BS. Đặng Ngọc Hùng khám tư vấn dinh dưỡng cho bệnh nhân.
Đối với trẻ biếng ăn
tình trạng bệnh trong cơ thể làm cho trẻ có những rối loạn về tiêu hóa và vị giác, làm cho trẻ không có cảm giác thèm ăn. Cha mẹ cần quan tâm hơn đến dinh dưỡng của trẻ trong giai đoạn này, như:
- Tránh các loại nước ngọt có ga, thức ăn nhanh, bánh kẹo. Những loại thức ăn này có năng lượng cao nhưng lại không có nhiều dinh dưỡng.
- Không nên quát nạt, trách mắng, bắt trẻ nuốt.
- Cho trẻ ăn những món trẻ thích, chế biến thành các loại thức ăn lỏng và mềm, độ dinh dưỡng cao.
- Chia nhỏ bữa ăn ra thành các bữa nhỏ, dễ ăn.
- Cho trẻ uống đủ nước. Thêm các loại nước trái cây, uống thêm sữa để bổ sung năng lượng, vitamin và khoáng chất.
- Không nên kéo dài bữa ăn quá 30 phút vì không tốt cho hệ tiêu hóa cũng như sức khỏe răng miệng của trẻ.
- Tránh cho trẻ xem tivi, điện thoại hay vui chơi lúc ăn uống vì điều này làm trẻ xao nhãng và không cảm nhận vị ngon của thức ăn.
Đối với trẻ bị tiêu chảy
Tiêu chảy cấp ở trẻ em có nhiều nguyên nhân như: do nhiễm trùng, thuốc, dị ứng thức ăn. Trong giai đoạn tiêu chảy, cha mẹ cần chú ý:
- Nếu trẻ bị tiêu chảy có các dấu hiệu như li bì, khó đánh thức, tiêu chảy lượng nhiều, cần phải đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để kịp thời chữa trị. Tiêu chảy gây ra mất nước và điện giải, nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ.
- Loại bỏ tác nhân gây dị ứng ra khỏi bữa ăn hàng ngày của trẻ.
- Tăng cường lượng nước 100-150ml/kg/ngày. Nên bù nước bằng dung dịch oresol vì ngoài mất nước trẻ còn mất thêm điện giải nếu chỉ bù nước cơ thể trẻ vẫn bị thiếu điện giải đặc biệt là ở trẻ bị tiêu chảy nhiều.
- Cho ăn thức ăn dễ tiêu như cháo, súp giúp cho bé dễ hấp thu, không cần ăn quá nhiều thịt cá, dầu mỡ trong ngày đầu, lượng thức ăn tăng dần sẽ giúp trẻ mau bình phục hơn.
- Lipid: đảm bảo nhu cầu và dùng các loại dầu thực vật.
- Glucid: giảm chất xơ, giảm đường đơn trong những ngày đầu.
- Sử dụng các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và khoáng chất như chuối, thịt gà (nhiều kẽm), táo, cà rốt, bí đỏ, sữa chua (có nhiều probiotic giúp cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột...).
- Đối với sữa: Nếu trẻ bú mẹ thì tiếp tục cho trẻ bú mẹ nhiều lần và lâu hơn; Nếu trẻ không bú sữa mẹ thì tiếp tục cho trẻ uống loại sữa mà trẻ đang dùng, không cần pha loãng.
- Nên chia nhỏ bữa ăn, các loại thức ăn dễ tiêu hóa. Tránh ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, các loại nước ngọt có ga, nước trái cây đóng hộp, thực phẩm sinh hơi (như đậu đỗ, súp lơ, cải xanh, hành, cải bắp,...) vì có thể làm cho tình trạng tiêu chảy nặng thêm.
Các yếu tố khác bố mẹ cần lưu ý:
- Tiêm chủng đủ lịch trình và đúng thời điểm.
- Bảo quản thực phẩm đúng cách, ăn chín uống sôi, hạn chế nước ngọt có ga.
- Dạy trẻ thói quan rửa tay, giữ gìn vệ sinh cá nhân.
- Cho bé ngủ đủ giấc.
- Vận động thể lực thường xuyên.
Th.S BS. Đặng Ngọc Hùng (Chuyên gia dinh dưỡng - Giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur)/GĐTE