Thường thì thành viên nhỏ tuổi nhất sẽ được ưu tiên nhiều hơn, nhưng không có nghĩa là lấy sự ưu tiên của đứa trẻ còn lại, "bù" qua cho đứa trẻ nhỏ hơn đâu nhé. Chỉ cần ba mẹ tỏ rõ thái độ phân minh...
Gia đình là nơi ấm áp nhất, nơi đó có những người mà chúng ta sẵn lòng yêu thương vô điều kiện. Thế nhưng, trong trường hợp nhà có hai con nhỏ trở nên, không ít các bậc phụ huynh phải đau đầu khi chúng so bì, tị nạnh với nhau. Nếu xử sự và dạy bảo không đúng cách sẽ gây ra hậu quả... khóc nhiều hơn cười.
Tình trạng này không chỉ xuất hiện khi trẻ ở tuổi vị thành niên, nhiều trường hợp kéo dài cho tới khi anh chị em ruột trong gia đình đã là người trưởng thành. Lúc này, mọi việc không đơn thuần là sự ganh tị... con nít. Nó đã trở thành xung đột gia đình thực sự.
Cha mẹ cư xử yếu kém khiến con cái bất hòa
Nói qua cũng phải nói lại, chúng ta không thể hoàn toàn đổ lỗi cho trẻ nhỏ. Chính cách cư xử yếu kém của cha mẹ góp phần thúc đẩy con cái lấn sâu vào vòng xoáy tị nạnh mạnh mẽ hơn.
Tôi có một người bạn, sau khi sinh con thứ 2 là con trai tất cả mọi người trong gia đình đều xúm lại săn sóc cậu bé, quên bẵng mất cô chị 5 tuổi. Hậu quả là cô bé tủi thân, nghĩ mình bị "ra rìa" nên hết sức ghét bỏ em trai. Đến một ngày, khi người mẹ thấy cô con gái liên tục cấu nhéo vào chân tay em trai, miệng lẩm bẩm: "Cho mày chết này" mới tá hỏa. Thử hỏi, nếu không phát hiện và có sự điều chỉnh kịp thời, liệu mức độ ganh tị của cô bé đối với em trai mình sẽ đến đâu? Và xảy ra những hành vi bạo lực gì?
Không chỉ có các anh chị lớn tuổi hơn mới ganh tị với em nhỏ, trường hợp các em nhỏ ganh tị ngược lại với anh chị lớn cũng không hiếm. Ở cạnh nhà tôi, vợ chổng nọ có hai nhóc tì, trong khi người anh vừa đẹp trai, học giỏi thì cậu em lại sở hữu tính cách trái ngược hoàn toàn. Tuy kém nổi trội so với anh trai, nhưng cậu bé không phải người "vô dụng". Bằng chứng là cậu em chơi thể thao rất cừ, am hiểu các thiết bị công nghệ.
Ấy vậy mà ba mẹ chẳng hề đánh giá cao những mặt tích cực của cậu bé vì thấy nó không thiết thực. Ngược lại, không ngừng khen ngợi người anh. Cậu em cho rằng, ba mẹ ác cảm với mình chính vì cái bóng quá lớn của người anh nên từ đó, cậu ghét anh trai ra mặt.
Trên cương vị đấng sinh thành, là người ở giữa, phụ huynh cần công bằng, không thiên vị bất cứ ai trong hai người con và đặc biệt đừng sử dụng biện pháp so sánh. Phụ huynh thiếu công bằng, các con càng ghét bỏ nhau nhiều hơn. Dưới đây là một số gợi ý cần làm để tránh những mâu thuẫn không đáng có.
Hãy làm "tư tưởng" rõ ràng với con
Nếu bé lớn ganh tị với em mình, cha mẹ hãy nhẹ nhàng giải thích: "Trước đây, khi con còn nhỏ, ba mẹ cũng nâng niu, chiều chuộng con như em vậy. Khi con chưa biết đi, được ba mẹ ẵm bồng. Khi con chưa biết tự xúc ăn, được ba mẹ nhẹ nhàng đút từng muỗng cơm. Em bé bây giờ cũng chưa biết gì giống con 5 năm về trước vậy, vì thế chúng ta cần "hợp sức" lại mới giúp em lớn nhanh hơn. Khi em lớn bằng con, em cũng phải lau nhà, dọn bàn ăn, rửa chén... giống như con.
Ngược lại, trong trường hợp bé nhỏ ganh tị với anh/chị của mình ba mẹ cũng cần giải thích rõ. Có thể kể đến ví dụ cụ thể như khi nhà có hai người con, ba mẹ mua máy tính xách tay cho con trai lớn, trong khi con trai nhỏ chỉ được sử dụng chiếc máy tính để bàn đã cũ ở nhà: "Anh trai hơn con 4 tuổi, chương trình học nhiều và vất vả hơn nên cần có máy tính xách tay sẽ thuận lợi hơn khi di chuyển. Con mới học cấp 2, chương trình học đơn giản nên sử dụng máy tính để bàn ở nhà là điều phù hợp. Khi nào con lớn, đi học xa như anh hai chắc chắn ba mẹ sẽ mua cho con một chiếc máy tính giống như thế".
Ngoài ra, phụ huynh cũng lưu ý không nên làm tổn thương con, không nên đứng về một phía. Thường thì thành viên nhỏ tuổi nhất trong gia đình sẽ được ưu tiên nhiều hơn, nhưng không có nghĩa là lấy sự ưu tiên của đứa trẻ còn lại, "bù" qua cho đứa trẻ nhỏ hơn đâu nhé. Chỉ cần ba mẹ tỏ rõ thái độ phân minh, trẻ ắt tự hiểu mình nên hay không nên làm gì.
Nhấn mạnh tình yêu của ba mẹ dành cho CẢ HAI
Điều quan trọng mà phụ huynh cần nhấn mạnh, đó là "Ba mẹ yêu tất cả các con", chứ không phải nạt nộ, giận dỗi theo kiểu "Con không ngoan, ba mẹ không yêu. Con không ngoan là ba mẹ yêu anh/chị (hoặc em) nhiều hơn đấy". Câu nói này như nhóm lên sự ganh ghét, đố kỵ lẫn nhau. Ít nhiều gì bé sẽ nghĩ nếu không có anh/chị (hoặc em) của mình, chắc chắn be mẹ sẽ thương mình nhiều hơn.
Nhiều gia đình sinh đôi hoặc sinh năm một, những đứa trẻ sàn sàn bằng tuổi nhau thì tình trạng... choảng nhau cũng xảy ra nhiều hơn. Khi các con đánh nhau, chơi không đẹp tốt nhất ba mẹ nên tách mỗi người một nơi, cho đến khi chúng tự nguyện làm lành với nhau. Trẻ con đang độ tuổi ham vui, chắc chắn không bé nào muốn mất đi bạn chơi của mình cả.
Khơi dậy tình cảm trong con
Nếu trẻ lớn thường được nhắc nhở phải nhường nhịn em nhỏ hơn mình, thì trẻ nhỏ sẽ cần giáo dục thế nào để công bằng với trẻ lớn. Chúng cần lễ phép và nghe lời hơn. Trong gia đình có một người anh/chị lúc luôn luôn nhường nhịn em nhỏ, và em nhỏ thì luôn luôn vâng lời anh/chị lớn hơn mình sẽ chẳng bao giờ có bất hòa xảy ra.
Thỉnh thoảng, cha mẹ hãy cho chúng cùng nhau xem những bộ phim tình cảm gia đình ý nghĩa, chúng sẽ học hỏi và biết nâng nui giá trị gia đình hơn. Cha mẹ hãy dạy con cách chăm sóc lẫn nhau, biết chia sẻ cả về vật chất và tinh thần. Đặc biệt là những lúc ốm đau, anh chị em càng phải quan tâm và chăm sóc nhau nhiều hơn. Mẹ nên khơi dậy tình cảm tốt đẹp luôn tiềm ẩn bên trong con. Mẹ nên biết rằng trẻ con luôn giàu tình thương, nhạy cảm và rất trong sáng. Vì vậy, với những lời nhẹ nhàng, không cần phải to tiếng, con sẽ cảm nhận được và sẵn sàng làm những điều tốt đẹp cho người khác.
Và trên hết, cha mẹ cũng là nên là tấm gương sáng cho con, khi sống trong một gia đình hạnh phúc, ấm áp, anh em sống hòa thuận, biết chia sẻ và giúp đỡ nhau, con cái cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn. Con cái rất giỏi bắt chước, nếu bố mẹ bố mẹ cử xử sao với mọi người xung quanh, trẻ con cũng thường bắt chước y như vậy.