Theo truyền thuyết "Bánh chưng, bánh dày", tục gói bánh chưng bắt nguồn từ đời vua Hùng Vương thứ 6. Nhân dịp giỗ tổ, vua Hùng đã triệu tập các con đến và truyền rằng: người con nào tìm được lễ vật hợp ý sẽ được vua cha nhường ngôi. Hầu hết các hoàng tử lên rừng, xuống biển tìm sản vật quý hiếm.
Riêng hoàng tử Lang Liêu là người con nghèo khó nhất, không có khả năng kiếm những đồ lễ quý hiếm, chàng đã dùng những nông sản hết sức thân thuộc như gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn và lá dong để tạo ra hai loại bánh: bánh chưng và bánh dày tượng trưng cho Trời và Đất làm lễ vật dâng vua cha.
Chiếc bánh chưng của hoàng tử Lang Liêu là tượng trưng cho Đất với sự đầy đủ ấm no, bởi bên trong đủ động vật và thực vật là nếp, đậu xanh và thịt lợn. Chiếc bánh chưng vuông vức thơm ngon được dâng lên vua Hùng vào ngày đầu xuân rất ý nghĩa đã làm nhà vua hài lòng và cảm động. Nhà vua quyết định truyền ngôi cho hoàng tử Lang Liêu.
Kể từ đó tục gói bánh chưng, bánh dày được lưu truyền trong nhân gian và là những lễ vật không thể thiếu khi dâng cúng tổ tiên mỗi dịp Tết đến, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn của hậu thế. Bánh chưng đã trở thành một biểu trưng văn hóa của dân tộc Việt.
Nhịp sống hiện đại ngày nay tuy có bận rộn hơn, sung túc hơn thì truyền thống văn hóa ẩn sâu trong chiếc bánh chưng ngày Tết vẫn rất cần trao truyền lại cho mai sau. Để cho trẻ nắm rõ được ý nghĩa của sự tích " bánh chưng bánh dày" và tạo được không khí chuẩn bị đón tết nguyên đán, trường mầm non Hồng Tiến đã tổ chức chương trình " mùa xuân đầu tiên Hồng Tiến 2019" với chuỗi các hoạt động vô cùng ý nghĩa và một trong những hoạt động trải nghiệm đó là : Gói bánh trưng - Tết trong bàn tay em.
Dưới đây là hình ảnh của hoạt động trải nghiệm " Gói bánh trưng - Tết trong bàn tay em"