Ngày nay, hình ảnh một bé ở lứa tuổi mầm non ngồi chơi với các thiết bị công nghệ cao không còn xa lạ với nhiều người. Chỉ cần đến một nơi công cộng và nhìn quanh, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh những bé trạc 2 3 tuổi cầm chiếc Smartphone của bố mẹ để chơi điện tử hoặc coi video.
[related_posts_by_tax title=""]
Mặc dù công nghệ là nguồn học tập và giải trí vô cùng phong phú cho các bé, bạn không thể phủ nhận sự tác động mạnh mẽ của công nghệ đến trẻ em ngày nay: tivi và đầu DVD là các kênh tài liệu mang tính giáo dục, trò chơi điện tử có thể khuyến khích sự phát triển của não, luyện tập phối hợp tay – mắt… Nhưng đồng thời, các thiết bị điện tử cũng mang lại những hậu quả nhất định. Dưới đây là nguyên nhân tại sao bạn nên hạn chế bé sử dụng các thiết bị công nghệ:
Phụ huynh nên giới hạn trẻ tiếp xúc với công nghệ vì
- Công nghệ có thể ảnh hưởng tới giấc ngủ của bé: Trẻ em ngày nay có vô số việc phải làm: làm bài tập về nhà, các hoạt động sau giờ học và các hoạt động cùng gia đình vào cuối tuần. Chính vì vậy, để bé tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị điện tử có thể giảm thời gian bé nghỉ ngơi. Không những thế, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những thiết vị phát ra sóng kích thích như tivi hay laptop có ảnh hưởng không tốt đến chất lượng giấc ngủ của trẻ em.
- Sử dụng công nghệ quá nhiều sẽ làm giảm thời gian tương tác giữa các thành viên trong gia đình: Khi chúng ta sử dụng công nghệ, chúng ta không tương tác với nhau. Và trong những gia đình hiện đại bận rộn, tìm kiếm thời gian ở bên nhau đã khó, mà công nghệ thậm chí còn cắt ngắn những khoảng thời gian ít ỏi ấy. Có thể bạn cho rằng cả gia đình cùng xem phim hoặc chơi điện tử cũng là một cách giao tiếp, nhưng trên thực tế, nhìn màn hình càng nhiều, tương tác giữa các thành viên trong gia đình sẽ càng ít.
- Ảnh hưởng đến khả năng tập trung của trẻ: Những cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng dành quá nhiều thời gian vào màn hình điện tử có thể khiến khả năng tập trung của bé giảm xuống.
- Công nghệ có thể gây trở ngại cho việc học tập của trẻ: Những bé xem tivi quá nhiều thường có điểm thấp và ít đọc sách hơn những đứa trẻ khác. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng giảm thời gian trẻ hoạt động trên màn hình điện tử (tivi, laptop, điện thoại…) có thể cải thiện sức khỏe và điểm số của trẻ.
- Công nghệ khiến trẻ lơ là các hoạt động thể chất: Trẻ càng dành nhiều thời gian vào các thiết bị công nghệ, trẻ càng ít hoạt động thể chất và do đó, có nguy cơ béo phì ngày càng cao.
- Công nghệ có thể tạo cơ hội cho trẻ xem quá nhiều quảng cáo và các nội dung không phù hợp: Nhiều chương trình truyền hình chứa những yếu tố không phù hợp với lứa tuổi có thể khiến trẻ bị ảnh hưởng không tốt.
Phương pháp để hạn chế công nghệ cho trẻ mầm non
- Không đặt tivi trong phòng riêng của bé (nếu có) hoặc phòng ngủ của cha mẹ: Đặt tivi trong phòng ngủ có thể là nguyên nhân cho các vấn đề sa sút học tập, khó ngủ và béo phì.
- Tắt các thiết bị điện tử: Trừ khi bé đang theo dõi một chương trình truyền hình cụ thể, nếu không bạn hãy hãy tắt tivi phần lớn thời gian khi bé ở nhà. Đặc biệt, khi cả nhà đang ăn hoặc bé đang làm bài tập về nhà, hãy giữ các thiết bị công nghệ ở xa tầm tay trẻ.
- Giúp bé chọn trò chơi điện tử hoặc chương trình yêu thích: Cách tốt nhất để biết chính xác bé đang xem hoặc chơi gì là chính bạn sẽ giúp bé chọn ra chương trình truyền hình hay trò chơi cụ thể. Và hãy nhớ rằng khi lựa chọn, hãy tìm hiểu kĩ hoặc hỏi ý kiến các phụ huynh khác trước, sau đó tìm cách cân bằng giữa sở thích của bé và ý kiến cá nhân của bạn.
- Hạn chế thời gian bé sử dụng các thiết bị điện tử có màn hình: Cha mẹ nên quyết định lượng thời gian bé xem tivi hoặc được phép chơi điện tử trong một tuần và nghiêm túc nhắc nhở bé thực hiện theo những quy định này.
- Lựa chọn các hoạt động khác thay thế cho các hoạt động trên thiết bị công nghệ: Tìm ra những hoạt động mà cả gia đình có thể tham dự mà không dính đến công nghệ, như chơi các trò chơi ngoài trời hoặc đọc những cuốn sách hay.
Cho bé sử dụng các thiết bị điện tử một cách chọn lọc và có kiểm soát sẽ giúp bé phát triển toàn diện mà không bị lệ thuộc vào công nghệ. Bé nhà bạn có sử dụng thiết bị công nghệ bao nhiêu thời gian một ngày?