Như thế nào là một chương trình giáo dục STEM chất lượng?
Các nghiên cứu giáo dục tại Mỹ khi đánh giá một chương trình nào đều dựa vào hệ thống các tiêu chí, vừa định lượng và vừa định tính, những thông thường họ đều dựa trên một hệ thống khhung lý thuyết (theoretical framework) hoặc một khung khái niệm (conceptual framework) nhất định nào đó để phân tích. Thực tế thì không có một khung lý thuyết hay một khung khái niệm nào hoàn hảo. Mỗi khung lý thuyết đều giúp cho người làm nghiên cứu hoặc người làm công tác giảng dạy có thể hình dung một khía cạnh nào đó có chiều sâu và hệ thống. Các khung lý thuyết cũng có sự tiến hóa và thay đổi theo thời gian, không gian. Do vậy, để đánh giá một chương trình giáo dục STEM, chúng ta cũng cần có một hệ thống khung về các tiêu chí.
Dưới đây là 6 tiêu chí được tổng hợp từ các nghiên cứu và đánh giá gần đây trong hệ thống giáo dục STEM tại Mỹ:
1. Nội dung học tập đi từ thực tế đến cuộc sống
Chương trình tập trung vào các vấn đề thực tế trong cuộc sống, từ những vấn đề đơn giản cho đến những vấn đề phức tạp, những vấn đề phức tạp có ít lời giải cho đến những vấn đề cho nhiều lời giải, từ những vấn đề của địa phương cho đến những vấn đề mang tính chất toàn cầu.
2. Cấu trúc được xây dựng theo tiêu chuẩn
Chương trình được xây dựng theo một bộ tiêu chuẩn nhất định, có thể đo lường được các kết quả học tập của học sinh trên cơ sở tích hợp giữa các kiến thức khoa học và toán học, với sự vận dụng các yếu tố kỹ thuật và công nghệ trong quá trình tiến hành thí nghiệm hay thiết kế chế tạo. Các bài học hoặc chủ đề môn học có sự gắn kết và bổ trợ lẫn nhau giúp học sinh thấy được vai trò và ý nghĩa của các kiến thức, có sự bổ sung và tương tác chặt chẽ với nhau trong hệ thống và trong từng hoàn cảnh cụ thể.
3. Quá trình triển khai chú trọng vào học chủ động
Chương trình áp dụng phương pháp dạy học dựa vào khám phá, học dựa vào vấn đề và luôn lấy học sinh làm trung tâm của quá trình dạy học. Học sinh được khuyến khích và được động viên sáng tạo trong suốt quá trình học. Các bài học, chủ đề học luông mang lại sự hào hứng, kích thích óc tò mò khám phá và sự sáng tạo của học sinh. Học sinh được tạo các cơ hội được thử thách và được thất bại trong quá trình học để trưởng thành và vượt lên chính mình.
4. Kiến thức luôn đi kèm với phát triển các kỹ năng
Chương trình cung cấp các hoạt động giúp học sinh phát triển các kỹ năng khoa học, từ quan sát, ghi chép, đến phân tích, thuyết trình. Bên cạnh đó, các kỹ năng về thiết kế công nghệ như đi từ vẽ mô hình, lắp ráp, chế tạo, đến điều chỉnh và hoàn thiện cũng được khuyến khích rèn luyện thường xuyên. Đặc biệt, các kỹ năng về tư duy bậc cao, như giải quyết vấn đề, tư duy phản biện được chú trọng và được tạo cơ hội thực hành thường xuyên.
5. Tương tác và gắn kết xã hội
Chương trình có các hoạt động mang tính tương tác xã hội như làm việc nhóm, giao tiếp với các cộng đồng xung quanh tại địa phương hoặc với các tổ chức và bạn bè quốc tế. Ngoài ra, các hoạt động học tập hoặc các sản phẩm thu nhận được từ quá trình học có thể đem lại lợi ích phục vụ được cộng đồng trực tiếp hoặc gián tiếp.
6. Thể hiện sự đa dạng và đặc trưng
Chương trình khuyến khích sự tham gia của cả học sinh nam và nữ, đa dạng về các độ tuổi, không phân biệt về điều kiện kinh tế xã hội, tận dụng và khai thác được các điều kiện và văn hóa của tổ chức, địa phương hoặc của quốc gia.