Định nghĩa và đặc điểm của Giáo dục STEAM
Hiệp hội các giáo viên dạy khoa học quốc gia Mỹ (National Science Teachers Association - NSTA) được thành lập năm 1944, đã đề xuất ra khái niệm Giáo dục STEM (STEM education) với cách định nghĩa ban đầu như sau:
“Giáo dục STEM là một cách tiếp cận liên ngành trong quá trình học, trong đó các khái niệm học thuật mang tính nguyên tắc được lồng ghép với các bài học trong thế giới thực, ở đó các học sinh áp dụng các kiến thức trong khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán vào trong các bối cảnh cụ thể, giúp kết nối giữa trường học, cộng đồng, nơi làm việc và các tổ chức toàn cầu, để từ đó phát triển các năng lực trong lĩnh vực STEM và cùng với đó có thể cạnh tranh trong nền kinh kế mới”.
Theo đó, mô hình Giáo dục STEM là quá trình giáo dục liên môn, tích hợp các môn Khoa học, Kĩ thuật, Toán học, Công nghệ thể hiện sự kết nối và bổ trợ lẫn nhau giữa các môn học. Giáo dục STEAM hướng đến các hoạt động trải nghiệm, thực hiện các nhiệm vụ để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn, qua đó trẻ sẽ xây dựng các kĩ năng cần thiết của thế kỉ 21.
Sau đó, “Art” được đưa vào cụm từ STEM chuyển sang Giáo dục STEAM. “Art” ở đây không phải chỉ là nghệ thuật hay các hoạt động thủ công mà đó còn là sự sáng tạo.
Lợi ích của giáo dục STEAM với trẻ mầm non
Ngay cả trẻ em mẫu giáo cũng có thể học các chương trình tích hợp STEAM thông qua các trò chơi làm mô hình núi lửa, làm bong bóng bay, làm chong chóng quay… Mặc dù đây chỉ là những trò chơi đơn giản, nhưng được xây dựng và tổ chức có hệ thống và có sự kết nối các môn học khác nhau, nên các hoạt động này cũng được coi là các hoạt động STEAM.
Khi trẻ tham gia các dự án học tập theo Giáo dục STEAM, trẻ sẽ rất tập trung, say sưa, trí tưởng tượng của trẻ được mở rộng, trí tò mò được thỏa mãn và hơn hết tình yêu, niềm đam mê với học tập cũng được bồi đắp. Bằng cách tiếp cận liên ngành, lồng ghép bài học vào đời sống thực tế, kết nối với các vấn đề mang tính toàn cầu, trẻ sẽ có được khả năng tư duy cũng như biết ứng dụng linh hoạt các kỹ năng để giải quyết nhiều tình huống trong cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt, thông qua Giáo dục STEAM trẻ sẽ xây dựng các kĩ năng cần thiết của thế kỉ 21 gồm: Kĩ năng thích ứng, Kĩ năng giao tiếp, Kĩ năng hợp tác, Kĩ năng sáng tạo, Kĩ năng tư duy phản biện.
Cách tiếp cận giảng dạy theo Giáo dục STEAM vốn không phải là nhiệm vụ dễ dàng nhưng những lợi ích mà STEAM mang lại cho trẻ và trường học thì rất lớn. Trường học sẽ không chỉ là nơi để giảng dạy lý thuyết mà còn là nơi giúp trẻ được trải nghiệm những kiến thức thực tiễn để trẻ vừa lớn khôn, trưởng thành, lại được “chơi thông minh và học vui vẻ”.