Ngủ đủ giấc
Nhiều trẻ đặc biệt trong giai đoạn thiếu niên không ngủ đủ giấc như khuyến nghị. Theo các chuyên gia, ngủ là yêu cầu cơ bản để giúp trẻ phát triển chiều cao, chức năng cơ thể cũng như sức khỏe tinh thần. Bên cạnh đó, giấc ngủ còn giúp trẻ phòng tránh béo phì và các rủi ro liên quan khác. Với trẻ mới biết đi, cha mẹ cần cho con ngủ từ 11-14 tiếng, độ tuổi thiếu niên cần duy trì khoảng từ 8-10 tiếng mỗi đêm.
Đa dạng thức ăn
Cha mẹ có thể khuyến khích trẻ ăn các loại thức ăn với nhiều màu sắc khác nhau. Ăn càng nhiều loại thực phẩm khác nhau càng giúp trẻ nhận được nhiều vitamin và dưỡng chất cần thiết để phát triển và khỏe mạnh.
Tiêm phòng đầy đủ
Cha mẹ có thể cho con tiêm phòng vaccine đầy đủ theo khuyến nghị của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật (CDC), bao gồm cả việc tiêm cúm hàng năm.
Rửa tay trước khi ăn
Nghiên cứu năm 2012 đăng trên Tạp chí y khoa - BMC Pediatrics cho thấy khuyến khích trẻ nhỏ rửa tay trước khi ăn giúp phòng ngừa đáng kể nguy cơ mắc các bệnh về đường tiêu hóa và hô hấp. Đây cũng là cách giúp trẻ không bị ốm vặt.
Khuyến khích trẻ nhỏ rửa tay trước khi ăn giúp phòng ngừa đáng kể nguy cơ mắc các bệnh về đường tiêu hóa và hô hấp. Ảnh:
Freepik
Vui chơi, vận động ngoài trời
Vận động giúp trẻ phát triển khỏe mạnh. Bên cạnh các lợi ích về thể chất như giảm nguy cơ béo phì, các bệnh lý liên quan tới tăng cân, tập thể dục thường xuyên còn giúp giảm stress và thúc đẩy tâm trạng cho các bé.
Các chuyên gia cho biết, những đứa trẻ khỏe mạnh thường tham gia hoạt động ngoài trời mỗi ngày, hạn chế xem tivi, điện thoại. Đây cũng là cách giúp phát triển sức khỏe tinh thần của các bé.
Hạn chế xem thiết bị điện tử
Cuộc khảo sát được thực hiện bởi tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu về sự phát triển của trẻ em trong thế giới truyền thông và công nghệ - Common Sense, cho thấy trẻ em dành trung bình từ 2 giờ mỗi ngày để xem các thiết bị điện tử. Những đứa trẻ khỏe mạnh thường không như vậy. Dành quá nhiều thời gian chơi game, ngồi trước màn hình máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng... có thể khiến trẻ có nguy cơ cao mắc các bệnh béo phì, trầm cảm, vấn đề về giấc ngủ, học tập kém và dễ bị rối loạn hành vi.
Giữ an toàn trên các phương tiện giao thông
Để bảo vệ trẻ khỏi những rủi ro trên các phương tiện giao thông, cha mẹ cần cho bé thắt dây an toàn khi đi xe hơi hoặc đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy. Bằng cách này, các bé có thể hình thành thói quen tốt khi tham gia giao thông ngay từ khi còn nhỏ.
Khám sức khỏe định kỳ
Khám sức khỏe định kỳ giúp cha mẹ nhận biết con có đang phát triển khỏe mạnh hay không. Đây cũng là cách giúp phát hiện và điều trị sớm nếu bé có bất kỳ vấn đề bệnh lý nào.