Nếu mọi người chưa hiểu rõ thì cũng đừng lo lắng nhé. Mặc dù đã ra đời hàng trăm năm nay nhưng phương pháp giáo dục Montessori vẫn đôi khi bị hiểu sai. Dưới đây là cách hiểu ngắn gọn về Montessori: Trong một môi trường giáo dục hiện đại nhấn mạnh vấn đề chuẩn hóa và ghi nhớ, Montessori đưa ra một sự lựa chọn hợp lý - đó là một phương pháp dạy cho trẻ tính cách độc lập, suy nghĩ logic và phát triển niềm yêu thích khám phá học hỏi từ bên trong, bắt đầu từ khi tuổi còn nhỏ.
MONTESSORI LÀ CÁI GÌ, HAY LÀ AI ?
Phương pháp giáo dục Montessori được dựa trên trên quá trình nghiên cứu lâu dài của bà Maria Montessori, một bác sỹ người Ý. Là một bác sỹ nữ đầu tiên của nước Ý, bà Montessori đam mê trẻ em và nghiên cứu sự phát triển của trẻ em. Trong quá trình thực hiện một chương trình chăm sóc trẻ em tại một khu dân cư nghèo của thành phố Rome, bà dành rất nhiều thời gian để quan sát nhu cầu phát triển của những đứa trẻ ở đây và nhận ra rằng nhu cầu phát triển ở mỗi đứa trẻ là khác nhau và đều đáng được tôn trọng.
Phương pháp giáo dục mà bà tạo ra dựa trên quan điểm rằng trẻ em luôn tò mò, độc lập và muốn khám phá tất cả mọi thứ trong thế giới của chúng. Trong một môi trường được chuẩn bị cẩn thận và kỹ lưỡng, những nhu cầu này của trẻ được đáp ứng và từ đó trao cho trẻ cơ hội được phát triển một cách mạnh mẽ nhất.
Bà Montessori đã 2 lần được đề cử Nobel hòa bình, “di sản” của bà để lại là hàng ngàn trường học Montessori cho trẻ em từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành trên khắp thế giới.
DƯỚI ĐÂY LÀ 8 YẾU TỐ THIẾT YẾU TRONG PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC MONTESSORI
1. Tôn trọng sự khác biệt
Bà Montessori nhận ra rằng mỗi đứa trẻ là duy nhất. Chúng phát triển theo các giai đoạn khác nhau với tốc độ khác nhau. Chúng phù hợp với những cách khám phá và học tập khác nhau. Vì vậy, mỗi đứa trẻ trong lớp học Montessori sẽ có giáo án riêng được thiết kế phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của từng trẻ. Mỗi trẻ sẽ được lựa chọn hoạt động riêng của mình và khám phá chúng một cách độc lập hoặc theo nhóm nhỏ. Trong lớp học Montessori, khái niệm mới, bài học mới sẽ chỉ được giới thiệu cho trẻ khi đứa trẻ hứng thú và sẵn sàng. Bài học sẽ được thử thách theo khả năng của trẻ chứ không phải theo độ tuổi của chúng.
2. Lớp học trộn độ tuổi
Bà Montessori quan sát và nhận ra sự giống và khác trong “chu kỳ 3 năm” của mỗi đứa trẻ. Những nghiên cứu của bà cho thấy trẻ em có những tính cách, sở thích và xu hướng hành vi khá tương đồng trong các nhóm tuổi. 6 năm đầu đời là giai đoạn trẻ thiết lập nên nền móng nhân cách của mình, bà Montessori chia giai đoạn này ra thành 2 “chu kỳ 3 năm” gồm: (1) Từ 0 đến 3 tuổi, trí tuệ của trẻ giống như miếng bọt biển, đứa trẻ thấm hút tất cả mọi thứ xung quanh một cách vô thức. Bà gọi đây là giai đoạn trí tuệ thẩm thấu. (2) Từ 3 đến 6 tuổi: trí tuệ của trẻ vẫn thấm hút mọi thứ xung quanh nhưng giảm đi so với giai đoạn trước và trẻ đã có nhận thức về việc này,
Lớp học Montessori là lớp học trộn độ tuổi theo từng nhóm tương đồng 0-3 tuổi và 3-6 tuổi. Đây chính là một cộng đồng thu nhỏ trong đó khuyến khích sự trẻ học hỏi lẫn nhau, dạy lại cho nhau, giúp đỡ lẫn nhau và tạo ra sự tương tác, các mối quan hệ với người lớn hơn, nhỏ hơn – điều mà trẻ sẽ gặp bên ngoài xã hội.
Bà Maria Montessori từng viết trong cuốn sách "The Child, Society and the World" rằng: "Điều chủ yếu là những lớp học nên bao gồm các độ tuổi khác nhau, bởi vì nó có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển về mặt văn hóa của đứa trẻ. Điều này đạt được bằng chính những mối quan hệ giữa những đứa trẻ. Bạn không thể tưởng tượng một đứa trẻ nhỏ hơn học từ những đứa trẻ lớn hơn tốt như thế nào, và những đứa trẻ lớn hơn thì kiên nhẫn với những khó khăn của những trẻ nhỏ hơn như thế nào."
3. Sự tự do trong khuôn khổ
Giáo viên sẽ giới thiệu và chuẩn bị cho mỗi trẻ một khung chương trình học tập, tuy nhiên giáo viên sẽ cho trẻ quyền tự do lựa chọn hoạt động cụ thể mà trẻ yêu thích. Tự do ở đây có nghĩa là trong lớp học trẻ được tự do đi lại, tự do lựa chọn hoạt động mình thích (các hoạt động này đã được giáo viên lên kế hoạch sắp xếp trước), tự do làm lại bao nhiêu lần trẻ thích, tự do lựa chọn tốc độ học tập cho mình. Sự tự do này đảm bảo diễn ra trong một khuôn khổ cho phép được duy trì bởi các nội quy trong lớp học, ví dụ như: các hoạt động phải được thực hiện trên bàn hoặc trên thảm; sau khi kết thúc hoạt động, trẻ tự thu dọn hoạt động và xếp gọn vào vị trí ban đầu; không dẫm chân lên thảm của bạn; nói nhỏ, không nói với trong lớp học; không làm phiền bạn khi bạn đang thực hiện hoạt động...
Điều này mang lại kết quả gì nhỉ? Khi trẻ được người lớn cho phép tự do phát triển độc lập trong môi trường chuẩn bị đặc biệt cho mình thì sẽ có sự biến đổi trong tính cách trẻ, trẻ có thể tập trung lâu, trẻ có khả năng tự lựa chọn cho mình các hoạt động thú vị, trẻ làm việc trong niềm say mê và hứng thú, cuối cùng trẻ đạt được sự thỏa mãn nhu cầu nội tại của mình.
4. Trẻ học từ thực hành.
Trong lớp học Montessori, bạn sẽ không nhìn thấy một dãy bàn học, không có một giáo viên đứng trước cả lớp hay là không có hình ảnh các em nhỏ đang ngồi điền vào những bài tập tẻ nhạt. Thay vào đó, các em bé sẽ tự thực hành các hoạt động trên các giáo cụ rất sạch đẹp ở những không gian riêng biệt với nhau trong lớp học. Những giáo cụ này được thiết kế đặc biệt để giúp trẻ dễ dàng tiếp cân và hiểu sâu về các khái niêm hoặc đạt được các kỹ năng nhất định nào đó. Ví dụ, bộ tháp hồng xinh đẹp luôn là một giáo cụ hấp dẫn trẻ. Bộ giáo cụ này được thiết kế đặc biệt, gồm 10 khối hình lập phương có thể tích tăng dần, nhằm giúp trẻ phân biệt được kích thước đa chiều to-nhỏ, cao thấp, từ đó hình thành những kiến thức nền tảng cho việc học kiến thức đại số trong toán học. Học từ thực hành còn cho phép trẻ làm đi làm lại hoạt động mình yêu thích bao nhiêu lần tùy ý, trong quá trình đó trẻ sẽ tự khám phá ra những quy luật, kiến thức mới hoặc tự phát hiện lỗi sai, tự sửa chữa và rút ra bài học cho mình mình.
5. Trẻ em được tự lập
Bà Montessori quan sát và khám phá ra rằng tất cả trẻ em đều có khuynh hướng thích được làm việc độc lập. Từ khi còn nhỏ, chúng đã muốn tự mặc quần áo, tự ăn, và tự ăn và tự tham gia mọi sinh hoạt hằng ngày tại nhà, Quá trình phát triển của mỗi đứa trẻ được chia thành rất nhiều giai đoạn nhỏ, sau khi thành thục giai đoạn này trẻ sẽ sẵn sàng để bước sang một giai đoạn phát triển cao hơn. Ở giai đoạn 6-12 tháng tuổi, trẻ thường muốn tự mình bốc xúc thức ăn mặc dù lúc này trẻ sẽ làm nát thức ăn hay làm dây bẩn khắp nơi do bàn tay chưa đủ khéo léo. Tuy nhiên, đây chính là một giai đoạn trong quá trình phát triển của trẻ. Giai đoạn này là cơ hội để bàn tay của trẻ được tập luyện thành thục hơn để chuẩn bị cho những công việc yêu cầu sự khéo léo, nhanh nhẹn của đôi tay ở giai đoạn tiếp theo. Hay có những trẻ rât thích được làm việc với nước và sẵn sàng giúp đỡ bố mẹ các công việc nhà như rửa bát, giặt khăn, v.v… Nếu trẻ được tạo điều kiện để làm những việc mà trẻ thích, các kỹ năng và ý thức của trẻ sẽ được rèn luyện và sẵn sàng để bước vào những giai đoạn phát triển mới với những kỹ năng cao hơn.
Lớp học Montessori được thiết kế để tạo điều kiện và khuyến khích trẻ em phát triển khả năng làm việc độc lập của mình. Các trang thiết bị và giáo cụ có kích thước phù hợp, những giá kệ thấp, những đồ dùng có kích thước phù hợp bàn tay trẻ cho phép trẻ tự phục vụ bản thân mình, giúp đỡ bạn bè và khi đó “thế giới thu nhỏ này” sẽ không cần nhiều quá nhiều sự hỗ trợ của người lớn nữa.
6. Môi trường được chuẩn bị kỹ lưỡng
Bằng những quan sát của mình, bà Montessori nhận thấy rằng mọi lứa tuổi đều bị ảnh hưởng bởi môi trường, và đứa trẻ với tâm trí thẩm thấu của mình sẽ thu nạp mọi thứ trong môi trường của chúng. Do vậy, môi trường cần tạo được cho trẻ cảm giác an toàn, sự yêu thương, tôn trọng, và quyền tự do khám phá. Mỗi ngày giáo viên Montessori sẽ dành một khoảng thời gian nhất định để vệ sinh và sắp xếp lại những giáo cụ để đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ và để trẻ có thể sử dụng ngay khi cần. Một vài tiêu chí để đánh giá mức chuẩn kỹ kỹ lưỡng của lớp học có thể kể đến như: Trang thiết bị và giáo cụ an toàn cho trẻ; Giáo cụ phù hợp với nhu cầu của trẻ; Giáo cụ sạch sẽ và hài hòa, đẹp mắt; Giáo cụ được sắp xếp có trật tự và có hợp lý giữa các hoạt động; Giáo cụ được phát triển đặc biệt để kích thích khám phá, thúc đẩy sự phát triển toàn diện ở trẻ, v.v...
Ngoài ra, môi trường được chuẩn bị kỹ còn bao gồm môi trường xung quanh lớp học. Các lớp học thường rộng, sáng, đón nhiều ánh nắng và không khí. Các giáo cụ trong lĩnh vực văn hóa đa dạng hấp dẫn, các tác phẩm nghệ thuật đẹp, cây cối và vật nuôi trong trường sẽ giúp tạo ra một môi trường ấm áp, thân thiện khiến trẻ thích tìm hiểu và khám phá.
7. Một cộng đồng thực sự của những em bé
Trong môi trường Montessori, giáo viên sẽ luôn là những hình mẫu cư xử lịch thiệp và tôn trọng người khác. Hàng ngày trẻ đều được thực hành và nhắc lại các bài học về “Phép lịch sự và cư xử nhã nhặn”. Ví dụ như: cách nói “cảm ơn” và “xin lỗi”; cách chào hỏi người khác; cách hỏi mượn hay cần sự giúp đỡ của người khác; v.v… Những bài học này hướng dẫn và giải thích rõ ràng cho trẻ nên ứng xử thế nào đối với các tình huống gặp phải trong giao tiếp xã hội. Các bài học thường được thực hiện theo nhóm, việc này giúp trẻ hiểu được vị trí của mình (lớn hơn hay nhỏ hơn) như thế nào đối với những người khác. Những em bé lớn nhất lớp, người đã trải qua 3 năm học Montessori, sẽ giống như là những người lãnh đạo những em bé hơn. Vai trò của giáo viên là hướng dẫn cho trẻ sử dụng những từ ngữ, cử chỉ đúng và phù hợp với vị trí của mình. Từ đó trẻ sẽ “thẩm thấu” được lúc nào, ngôn từ nào trẻ nên dùng để làm cho trẻ và những người xung quanh cảm thấy dễ chịu. Kết quả nhận được là một cộng đồng yêu thương và hòa bình của những đứa trẻ.
8. Môi trường tôn trọng trẻ
Tôn trọng trẻ là nguyên tắc nền tảng cho tất cả các nguyên lý và hoạt động khác trong Montessori.
Có rất nhiều cách để thể hiện sự tôn trọng đối với trẻ nhưng một nguyên tắc chung luôn luôn phải làm là hãy “thu nhỏ mình lại” để cư xử với trẻ như với một người hoàn toàn độc lập và từ đó hiểu được điều trẻ mong muốn. Trong lớp học, việc trao cho trẻ quyền tự do lựa chọn hoạt động mình yêu thích và quyền được làm bao nhiêu lâu tùy thích chính là một cách thể hiện sự tôn trọng trẻ. Với những trẻ nhỏ, khả năng ngôn ngữ còn hạn chế khiến nhiều khi trẻ không thể diễn đạt được cảm xúc của mình bằng lời, thay vào đó trẻ có thể khóc lóc, cáu kỉnh hoặc nóng giận. Việc thừa nhận và kết nối cảm xúc của trẻ lúc này sẽ giúp trẻ bình tĩnh lại và cũng là cách thể hiện sự tôn trọng của giáo viên với trẻ.
Trong quá trình quan sát của mình, bà Montessori nhận thấy năng lực học tập, khả năng tự phục vụ của mỗi đứa trẻ thật sự đáng ngưỡng mộ và tôn trọng. Bà cho rằng việc trẻ em được tạo ra với những khả năng như vậy là một điều vô cùng tuyệt vời trong cuộc sống này. Chúng ta sống hãy với niềm tin này bằng cách phát triển mối quan hệ thân thiết với con mình và hãy tôn trọng những tính cách riêng và khả năng của chúng.
BẠN MUỐN ĐIỀU GÌ CHO CON EM CỦA MÌNH?
Phương pháp giáo dục Montessori là một cuộc phiêu lưu đầy thú vị, là một hành trình khám phá bản thân. Phần thưởng nằm trong sự phát triển của mỗi đứa trẻ, hơn là điểm số hay phần thưởng vật chất bên ngoài nào.
Sáu năm đầu tiên trong cuộc đời mỗi đứa trẻ là giai đoạn học tập không giới hạn và phát triển nhanh chóng. Môi trường giáo dục bạn chọn cho trẻ sẽ có tác động to lớn đến niềm tin của trẻ về bản thân trẻ, về khả năng học tập của trẻ và về những điều mà trẻ có thể làm được trong thế giới này. Phương pháp giáo dục Montessori đưa ra một sự lựa chọn đầy thuyết phục, đó là tôn trọng sự phát triển riêng biệt của trẻ, kích thích sự yêu thích học tập và chuẩn bị cho trẻ các kỹ năng và kiến thức để đối mặt với những thách thức của tương lai.