PHẦN 1: KỶ LUẬT TRONG MONTESSORI LÀ GÌ? BẰNG CÁCH NÀO, NHỮNG EM BÉ TRỞ THÀNH NHỮNG EM BÉ CÓ KÝ LUẬT?
Khi nghĩ đến từ “kỷ luật”, những hình ảnh hiện ra trong đầu bạn sẽ là gì nhỉ? Nếu bạn lớn lên trong môi trường giáo dục truyền thống, bạn sẽ nghĩ kỷ luật là ngồi trật tự khoanh tay trên bàn, chăm chú lắng nghe cô giáo nói. Bạn có thể cho rằng nếu không tuân theo kỷ luật thì sẽ nhận được những kết quả không mấy tích cực, ví dụ như bị phạt đứng ngoài giờ học, bị mời lên phòng hiệu trưởng hoặc bị nhà trường gửi thư về cho bố mẹ.
Nhìn chung khi nghĩ tới kỷ luật, người ta thường nghĩ đó là những điều mà người khác áp đặt cho mình. Tuy nhiên, những người giáo viên Montessori thì không hề muốn làm điều đó. Khái niệm về kỷ luật trong Montessori không phải là một khái niệm bị động, không phải vâng lời theo sự áp đặt của người lớn. Kỷ luật trong Montessori mang tính tích cực và làm việc có chủ đích. Bà Maria Montessori đã viết: Chúng tôi có một khái niệm khác về kỷ luật. Kỷ luật mà chúng tôi đang tìm kiếm và một khái niệm tích cực. Chúng tôi KHÔNG tin rằng một người có kỷ luật là một người chỉ biết im lặng làm theo. Chúng tôi cho rằng một người có kỷ luật là một người làm chủ được những hành vi của mình và người đó phải tuân theo quy tắc trong cuộc sống.
Mục đích của chúng tôi, trong Montessori, không phải là vâng lời mà là tự kỷ luật. Đó là lý do tại sao trong lớp học Montessori không có ghế phạt, không có bảng chấm điểm hành vi, không có các hình phạt, không có các phần thưởng để làm công cụ điều chỉnh hành vi của học sinh. Mặc dù không áp dụng những biện pháp đó, nhưng nếu cha mẹ tham gia vào lớp học Montessori, các cha mẹ sẽ nhận thấy những đứa trẻ hoạt động một rất say sưa, điềm đạm và không khí rất bình yên.
Trong môi trường lớp học Montessori, chúng ta rất dễ dàng để nhận ra một đứa trẻ mới tham gia vào lớp học bởi vì: em bé đó thường đi loanh quanh trong lớp từ chỗ này sang chỗ kia, làm gián đoạn hoạt động của các bạn khác, dùng giọng nói to và còn có lúc ném giáo cụ lên giá. Tuy nhiên những vấn đề này sẽ chỉ diễn ra một vài tháng thôi, sau đó bạn sẽ thấy hình ảnh em bé đó sẽ ngồi tại bàn và làm việc rất tập trung. Bạn sẽ thấy em bé đó đi bộ nhẹ nhàng trong lớp học. Bạn sẽ thấy em bé đó tuân theo nội quy lớp học một cách sẵn sàng và tự nguyện, chẳng hạn như việc đi bộ xếp hàng thay vì chạy, hay việc em bé dùng một giọng nói vừa phải để nói chuyện với các bạn trong lớp thay vì nói giọng nói ồn ào.
Một câu hỏi lớn là: Làm thế nào để các em bé Montessori đạt được những thay đổi trong hành vi như vậy, chỉ sau vài tuần hoặc vài tháng?
Về cơ bản, chúng tôi cho rằng tự kỷ luật là tập hợp nhiều kỹ năng mà trẻ đạt được thông qua việc thực hiện lặp đi lặp lại một cách có chủ đích các hoạt động trong một môi trường được chuẩn bị kỹ lưỡng. Để có được sự tự kỷ luật, trẻ phải làm chủ được ý nghĩ và hành vi của mình, hiểu và sẵn sàng tuân theo nội quy lớp học – những nội quy mà luôn tôn trọng nhu cầu của trẻ. Từ đó, trẻ sẽ làm mọi việc có kỷ luật một cách chủ động chứ không phải vì theo yêu cầu của người khác.
Những nguyên tắc được sử dụng trong lớp học Montessori để giúp trẻ có được sự tự kỷ luật.
1- RÈN SỰ TẬP TRUNG: KIỂM SOÁT VỀ MẶT TINH THẦN
Điều đầu tiên và quan trọng nhất với một đứa trẻ mới vào môi trường Montessori là giúp em bé ấy tìm được một hoạt động hấp dẫn với mình, một hoạt động mà giúp em bé kết hợp vận động của tay với não bộ, và hoạt động đủ hấp dẫn khiến em bé tập trung say mê vào làm hoạt động. Thông thường thì đó là những hoạt động khá đơn giản như: rót nước từ bình này sang bình kia hoặc bài học giác quan với các khối trụ có núm. Đó là các hoạt động cần kết hợp giữa bàn tay và trí óc. Những hoạt động này cho phép trẻ lặp đi lặp lại những cử động của cơ thể dưới sự kiểm soát của ý chí. Bà Maria Montessori nhận ra rằng sự tự kỷ luật và sự tiến bộ trong hành vi (điều mà bà gọi là “Bình thường hóa”) luôn có được thông qua sự tập trung trong quá trình trẻ làm việc. Do vậy, nhiệm vụ của chúng ta là cung cấp “động lực để hoạt động” đáp ứng được sự hứng thú của trẻ theo từng giai đoạn để giúp trẻ tập trung sâu vào công việc của mình. Điều thiết yếu đối với nhiệm vụ đó là phải khơi gợi được sự hứng thú của trẻ để đánh thức toàn bộ tính cách của trẻ trong quá trình làm việc.
Khi chúng ta thấy một đứa trẻ đang hoạt động với một giáo cụ, và lặp đi lặp lại hoạt động đó rất nhiều lần, điều đó cho chúng ta biết rằng đứa trẻ đang trong quá trình thay đổi khiến người lớn sẽ phải ngạc nhiên. Đó là lý do tại sao lớp học Montessori lại thiết kế những bài học cá nhân cho từng trẻ, từ đó trẻ có thể tự do khám phá tất cả các giáo cụ mà trẻ yêu thích. Đây cũng chính là lý do vì sao lớp học Montessori lại thiết kế những giờ học liên tục thay vì việc ngắt quãng quá trình làm việc của trẻ để tổ chức lớp học nhóm do người lớn đứng lớp, ví dụ như lớp học nhạc hoặc học vẽ. Đó cũng là lý do tại sao giáo viên thường làm việc khá vất vả khi giúp trẻ chọn hoạt động, thay vì là chỉ định hoạt động cho trẻ, bởi vì chỉ những điều mà trẻ thấy hấp dẫn mới thúc đấy trẻ làm đi làm lại hoạt động và từ đó đạt tới sự thuần thục.
Nếu như nền giáo dục truyền thống chỉ nhắc trẻ về sự tập trung thì trong Montessori, chúng tôi nhận thấy rằng sự “tập trung có mục đích” sẽ xuất phát từ nội tại của mỗi đứa trẻ. Quá trình này sẽ bắt đầu bằng việc hoạt động với giáo cụ mà trẻ thấy hứng thú. Chỉ khi trẻ thuần thục trong việc điều khiển tâm trí của mình tập trung vào điều trẻ hứng thú thì sau đó trẻ mới có thể hướng sự tập trung của mình vào những điều mà người khác muốn trẻ làm, ví dụ như lắng nghe một bài giảng của thầy cô giáo.
2- CỬ ĐỘNG CƠ THỂ CÓ MỤC ĐÍCH: KIỂM SOÁT VỀ MẶT HÀNH ĐỘNG
Để trở thành một đứa trẻ tự kỷ luật, ngoài việc kiểm soát và định hướng về mặt tinh thần, đứa trẻ còn phải học cách kiểm soát các cử động cơ thể của mình. Một lần nữa chúng tôi muốn nhắc lại, điều mà người lớn phải làm kKHÔNG PHẢI yêu cầu trẻ “ngồi yên”, “không nghịch ngợm đồ đạc” mà phải cung cấp cho trẻ những hoạt động mà trẻ cảm thấy hứng thú để từ đó trẻ sẽ tự kiểm soát được các cử động cơ thể mình.
Bà Maria đã viết: Nếu chúng ta chỉ cho trẻ thấy cách chính xác để thực hiện một công việc thì chúng ta sẽ thu hút được sự chú ý củ
a trẻ. Đây chính là điều kiện đầu tiên để giúp trẻ hình thành mục đích của hành động, đồng thời việc hướng dẫn thực hiện chính xác hành động sẽ giúp trẻ nhất quán trong sự nỗ lực của mình, và từ đó giúp kỹ năng của trẻ dần phát triển.
Trong lớp học Montessori, chúng tôi cung cấp các hoạt động có chủ ý nhất định nhằm giúp trẻ kiểm soát và hoàn hiện các cử động cơ thể của mình. Khi một đứa trẻ cố gắng đặt một khối trụ lên bàn mà không phát ra tiếng động, đó là lúc trẻ đang tập trung sử dụng cơ và kỹ năng giữ thăng bằng. Khi trẻ xúc hạt từ bát này sang bát khác, có nghĩa là trẻ đang phát triển kỹ năng kiểm soát đôi tay của mình. Và như vậy, tất cả các hoạt động đều có ý nghĩa nhất định.
Giáo viên Montessori hỗ trợ quá trình này bằng cách làm mẫu một cách nhất quán. Khi giới thiệu bài học, giáo viên sẽ làm rất chậm từng cử động cơ thể để trẻ quan sát cẩn thận và rõ ràng từng bước của hoạt động, từ đó trẻ có thể làm theo. Giáo viên thường nói rất ít, tập trung nhiều vào những hành động, do vậy trẻ sẽ chú ý vào các cử động chứ không bị phân tâm bởi từ ngữ.
Bằng sự thực hành lặp đi lặp lại một cách nhất quán, chúng ta có thể nhận thấy những cử động cơ thể của trẻ ngày càng khéo léo hơn. Và điều đó có thể hiểu rằng tâm trí của trẻ đã dễ dàng kiểm soát các cử động cơ thể của trẻ.
3 -THỰC HÀNH TÍNH KỶ LUẬT TRONG TẬP THỂ
Chỉ khi một đứa trẻ có thể kiểm soát được ý chí và hành động của mình thì chúng ta mới có thể hi vọng trẻ có những hành vi phù hợp với các quy định của tập thể. Bà Montessori đã viết: Làm sao chúng ta có thể hi vọng những đứa trẻ cẩn thận và kiên nhẫn nếu như chúng ta không trao cho chúng sự cẩn thận và kiên nhẫn của chúng ta. Điều này giống như việc yêu cầu một người không có chân “hãy đi thật đẹp” vậy. Những phẩm chất này chỉ có thể có được bởi việc thực hành, không bao giờ có được bằng cách đưa ra mệnh lệnh.
Trong thực tế cuộc sống, có nhiều khi nhu cầu tự nhiên của trẻ - như muốn di chuyển, muốn chạm vào đồ đạc, muốn dùng đôi tay để khám phá mọi vật xung quanh – lại mâu thuẫn với mong muốn của người lớn. Trong lớp học Montessori, môi trường và các quy định đều được thiết kế phù hợp với nhu cầu của trẻ. Bà Montessori đã viết: Khi chúng ta chưa hiểu về nhu cầu của trẻ, chúng ta sẽ cho rằng một số việc trẻ làm là “hư”, là “nghịch ngợm”, đó thường là những việc mà người lớn cảm thấy phiền toái. Và thật không hay, chúng ta cố gắng cấm đoán trẻ làm những việc đó trong khi trẻ đang nỗ lực khám phá thế giới này bằng mọi cách (ví dụ như cố gắng chạm vào mọi thứ xung quanh). Tuy nhiên, những đứa trẻ, với bản năng của mình, vẫn luôn tự thúc giục mình phối hợp các cử động cơ thể để thu thập các dữ liệu, các cảm nhận từ việc sờ nắm đồ vậy xung quanh. Do đó nếu trẻ bị ngăn cản, trẻ sẽ phản ứng, và những phản ứng này được người lớn gọi là “sự bướng bỉnh”.
Vậy “sự bướng bình” này sẽ biến mất khi nào ? Là khi chúng ta cung cấp cho trẻ cơ hội và phương tiện phù hợp cho quá trình phát triển của trẻ, đồng thời cho trẻ toàn quyền được sử dụng chúng. Khi đó sự phản kháng sẽ không còn lý do để tồn tại.
Tất nhiên, môi trường lớp học Montessori không phải môi trường tự do làm mọi việc. Chúng tôi có những quy định tôn trọng môi trường cộng đồng trong lớp học. Chúng tôi mong muốn trẻ dùng giọng nói trong nhà để giúp những trẻ khác tập trung vào hoạt động của họ. Chúng tôi mong muốn trẻ đi bộ vòng qua thảm của bạn chứ không phải bước lên thảm, để không làm hỏng hoạt động của bạn. Chúng tôi chỉ cho phép trẻ làm một hoạt động tại một thời điểm, điều này đồng nghĩa với việc mỗi người sẽ chờ đến lượt của mình.
Sự kỷ luật như vậy chính là đích đến. Quá trình đạt tới đích này đòi hỏi trẻ phải phát triển khả năng làm chủ suy nghĩ và hành động cơ thể của mình, và trẻ háo hức ứng dụng những kỹ năng đó và thực tế cuộc sống.
“Mục đích của chúng tôi là giúp cho những đứa trẻ hoạt động, làm việc, làm việc tốt một cách chủ động chứ không phải áp đặt. Với tôi, những đứa trẻ di chuyển tự do trong lớp học một cách hữu ích, không có những cư xử thô lỗ là những đứa trẻ có kỷ luật tốt”.