Chúng ta hẳn còn nhớ hoặc đang và sẽ chứng kiến mình hoặc con cái mình có một giai đoạn say mê, tập trung và hứng thú như thế nào khi chơi các trò chơi mô phỏng hoạt động thường ngày của người lớn như nấu cơm, sắp cơm, quét dọn, tắm rửa, mặc quần áo cho búp bê… với thuật ngữ hay dùng là “chơi đồ hàng”.
Phần lớn chúng ta - những người lớn - chỉ nhìn vào và nói là trẻ em thích bắt chước. Từ “bắt chước” thể hiện những gì người lớn nghĩ đối với các hoạt động này, nó mang ý nghĩa đánh giá thấp trẻ em - chỉ bắt chước làm theo người lớn, những hoạt động như vậy chỉ là những trò chơi không có ý nghĩa gì với giáo dục, chỉ để làm chúng vui.
Góc đặt các học cụ cho các bài tập thực hành cuộc sống thực tiễn trong một lớp học Montessori. (Ảnh: Maysoc)
Trẻ em sinh ra trong các gia đình kinh tế càng khá giả thì gần như càng được cưng chiều và bị người lớn ngăn cản gần như toàn bộ tới sự tiếp cận của các bài tập thực hành cuộc sống thực tiễn (EPL). Người lớn nghĩ rằng, các hoạt động đó là vô bổ, chẳng có ý nghĩa gì với giáo dục. Con mình sinh ra là để làm việc khác, những ngành nghề cao sang, những công việc to tát. Chúng phải được dành toàn bộ thời gian để học tiếng Anh, học Toán, học kiến thức để chuẩn bị cho những mục tiêu tương lai vào đại học, đi du học, có được công việc tử tế, có thu nhập cao, có chỗ đứng trong xã hội, được sống một cuộc sống đầy đủ sung sướng… Thậm chí còn có những trường hợp khi trẻ em cầm lấy cái chổi và luyện tập quét nhà còn bị người lớn mắng “Sao để … cho cháu quét nhà!”?
Thật may mắn cho trẻ em được sinh ra ở những gia đình nghèo khó khi bố mẹ chúng bận lo kiếm cơm tới nỗi không còn cách nào khác là phải để cho chúng thực hiện các bài tập thực hành cuộc sống thực tiễn (EPL) từ rất sớm.
Học cụ cho các bài tập thực hành cuộc sống thực tiễn đều là những đồ dùng được lựa chọn từ cuộc sống hàng ngày phù hợp với độ tuổi của trẻ.
Trong Ngôi Nhà Của Trẻ Montessori, chúng tôi dùng thuật ngữ “các bài tập thực hành cuộc sống thực tiễn (EPL)” để mô tả những hoạt động đơn giản thường ngày mà người lớn hay làm để duy trì và khôi phục các trạng thái đúng đắn của môi trường sống của người lớn. Mục đích của người lớn đối với các hoạt động này chỉ đơn thuần mang tính bảo quản và thiết thực. Họ có “mục đích bên ngoài” và đó là mối quan tâm của họ. Họ thực hiện các hoạt động mang tính duy trì và khôi phục này không chỉ đối với các sự vật (hoàn cảnh), mà còn thực hiện đối với con người (mối quan hệ).
Thực tế là ngay từ lúc được sinh ra đời và bước vào môi trường được tạo ra và duy trì bởi người lớn, em bé đã quan sát và trở nên nhanh chóng quen thuộc với các hoạt động duy trì đó bởi chúng là một phần trong các hoạt động hàng ngày của người lớn. Các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày của người lớn có thể phân thành ba loại: hoạt động chăm sóc môi trường; hoạt động chăm sóc cá nhân; và những hoạt động ứng xử duyên dáng, lịch thiệp trong cuộc sống xã hội (giao tiếp).
Không cần phải là một người quan sát được huấn luyện và tỉnh táo để có thể nhận thấy là con người-trong-hình-hài-em-bé từ lúc còn rất nhỏ đã thể hiện nhu cầu mạnh mẽ không thể chối từ trong việc muốn tham gia vào các hoạt động trên. Trẻ chứng tỏ sự hứng thú mạnh mẽ, muốn là một phần của các hoạt động đó, “xin để giúp đỡ” thực hiện những hoạt động đó. Chúng ta nên tự hỏi vì sao trẻ lại quá hứng thú trong khi chúng ta làm những việc đó phần lớn là vì nhu cầu bên ngoài thay vì là sự hứng thú thuần khiết bên trong.
Một học cụ Montessori giúp trẻ thực hành các công việc như kéo khóa, cài cúc, buộc dây....
Đối với trẻ nhỏ, những hoạt động này có chức năng quan trọng và mang tính cá nhân. Chúng không phải là những hoạt động mang tính chất duy trì hay khôi phục môi trường (giống như mục đích của người lớn), mà là mang tính chất xây dựng cho chính bản thân trẻ. Những hoạt động thường ngày ấy giúp trẻ phát triển và sáng tạo.
Khi trẻ thực hiện những hoạt động ấy, trẻ tham gia một cách trọn vẹn và toàn diện. Tại sao trẻ chọn chúng và cái gì lại có sức hấp dẫn không thể cưỡng lại được như thế? Điều gì khiến cho các hoạt động ấy lại có thể đóng vai trò phát triển và xây dựng lớn như vậy đối với cuộc sống của trẻ?
Chúng ta phải nhìn nhận được những đặc điểm của những hoạt động này như sau đây:
1. Các hoạt động này rất đơn giản, cụ thể và có mục đích rõ ràng. Chúng có quy trình dễ hiểu từ điểm bắt đầu cho đến điểm kết thúc (chỉ trong một khoảng thời gian ngắn).
2. Các hoạt động này có sự nổi bật về mặt tự nhiên, do đó có thể nhìn thấy được, các thao tác dễ dàng được thực hiện trong khả năng của trẻ ở giai đoạn đầu đời. Hai đặc điểm này làm cho các hoạt động này trở nên dễ hiểu đối với trẻ.
3. Các hoạt động này đáng thèm muốn, chúng là những lời mời thu hút và hấp dẫn đối với ý chí của trẻ. Trẻ có thể thực hiện những vận động cần thiết để trình diễn những hoạt động này theo mục đích và hiểu biết của chúng. Nếu được làm theo hiểu biết và mục đích như vậy, chúng đem tới sự dẫn đường cho sự hoàn hảo, kĩ năng tốt hơn không chỉ trong các vận động mà còn trong chính bản thân trẻ.
Các hoạt động này còn bao gồm cả chức năng phát triển. Chúng giúp tăng cường, phát triển và phục vụ trẻ trong nỗ lực của trẻ để tăng cường và phát triển nền tảng nhân cách con người – sự thống nhất giữa suy nghĩ, ý chí và hành động. Chúng tôi gọi đây là “sự phối hợp của vận động”.
Chiếc thảm - nơi trẻ sẽ tập trung làm việc của riêng mình với sự tập trung và chăm chú đáng kinh ngạc.
Bên cạnh mục đích trực tiếp là để giúp trẻ tăng cường và phát triển sự độc lập trong việc; thực hiện các hoạt động vận động căn bản, chăm sóc môi trường của mình, chăm sóc bản thân mình, các mối quan hệ xã hội (ứng xử tế nhị và lịch thiệp), Các bài tập thực hành cuộc sống thực tiễn (EPL) sẽ giúp trẻ củng cố và phát triển “sự phối hợp của các vận động” của cơ thể và do đó đặt nền tảng cho sự nhất thể hóa nhân cách.
Khi nói đến “sự phối hợp của các vận động”, chúng tôi muốn nói đến sự phối hợp của TRÍ TUỆ, Ý CHÍ và CÁC VẬN ĐỘNG tự nguyện. Sự phối hợp của các vận động tự bộc lộ thông qua các vận động được thực hiện một cách có trật tự, duyên dáng và có mục đích. Nó trở thành một dấu hiệu cho thấy sự nhất thể hóa ngày càng tăng của nhân cách - sự hợp nhất và hài hòa của các sức mạnh bên trong của “TRÍ TUỆ” và “Ý CHÍ” với các cơ quan thi hành - “CÁC VẬN ĐỘNG” của cơ thể. Khi thực hiện Các bài tập thực hành cuộc sống thực tiễn (EPL) cho các mục đích nội tại và phát triển của mình, ba nguồn sức mạnh cơ bản này đến gần nhau hơn bao giờ hết, tích hợp và xây dựng một nền tảng vững chắc và lâu dài cho sự phát triển xa hơn nữa.
Những đồ dùng cần thiết để trẻ học cắm hoa trong một lớp học Montessori.
“CÁC VẬN ĐỘNG” tự nguyện của cơ thể được thực hiện dưới sự chỉ dẫn của “TRÍ TUỆ”, điều khiển bởi “Ý CHÍ”, các hoạt động được hiểu bởi trí tuệ và được lựa chọn bởi ý chí.
Ngay cả khi chúng làm việc phối hợp, mỗi nguồn sức mạnh – “TRÍ TUỆ”, “Ý CHÍ” và “CÁC VẬN ĐỘNG” tự nguyện – đều tự phát triển và tự tăng cường sức mạnh (riêng rẽ) thông qua việc thực hiện các hoạt động phục vụ sự phát triển này.
Các bài tập thực hành cuộc sống thực tiễn (EPL) cũng đem lại những "hệ quả" tích cực khác theo sau và được gieo vào vùng đất của sự phát triển. Chúng không phải là mục đích (của các bài tập này), nhưng lại là những hệ quả rất tích cực và đáng mong ước.
1. Làm giàu cảm xúc: Hoạt động TRÍ TUỆ và Ý CHÍ (có nghĩa là: tự do lựa chọn và kiên trì thực hiện) – 1 nhu cầu phát triển – là cần thiết và được trẻ yêu thích. Tình yêu mà trẻ dành cho các hoạt động này (EPL) chứng tỏ rằng chúng là những hoạt động hữu ích, đồng thời cũng là một hình thức thư giãn của trẻ. Cảm giác của sự hoàn thành các hành động EPL là bước đệm chắc chắn cho các hoạt động tiếp theo.
2. ‘Cách mạng' xã hội: Việc các bài tập thực hành cuộc sống thực tiễn (EPL) được thực hiện trong những năm đầu đời của trẻ, tình yêu của trẻ dành cho chúng và các "cảm hứng" được truyền tải bởi những người thực hiện chúng trong môi trường hàng ngày, khiến trẻ không xem thường các hoạt động này và những người thực hiện chúng như một nghề nghiệp (người lao động chân tay). Chúng giúp trẻ phát triển lòng trân trọng thật sự đối với lao động chân tay. Thái độ tích cực này của trẻ sẽ tạo ra một sự tái định hướng về một xã hội "tự nhiên" và "hòa bình", thông qua sự thấm hút (các điều tốt) vào trẻ, và ảnh hưởng tới xã hội tương lai, sẽ giúp loại bỏ định kiến của người lớn hiệu quả hơn so với bất kỳ cố gắng trực tiếp nào của người lớn (để loại bỏ định kiến) có thể đạt được.
3. Nhận thức về nhu cầu của môi trường và nhu cầu của bản thân: Một em bé khi thực hiện các hoạt động này vì mục đích riêng của mình và trong môi trường được chuẩn bị của riêng mình, sẽ phát triển một thói quen chăm sóc mọi thứ xung quanh và chăm sóc chính bản thân mình.
4. Các bài tập thực hành cuộc sống thực tiễn (EPL) được thực hiện một cách tự nguyện và được lặp đi lặp lại cũng sẽ đóng góp đáng kể và "tự nhiên" cho việc phát triển thể chất. Các cơ bắp của toàn bộ cơ thể được tập luyện một cách uyển chuyển, không máy móc và không phải bởi sức ép bên ngoài như việc huấn luyện thể chất, cũng không phải chỉ được thực hiện như là một chức năng của cơ thể, mà bởi một con người, như một biểu hiện của sự sống của con người thật sự, được hiểu và có ý chí mục đích. Vì lý do đó chúng được lặp đi lặp lại, thường xuyên hơn bất kỳ hoạt động thể chất nào, mà không mệt mỏi và căng thẳng.
5. Chúng giúp trẻ phát triển trí tuệ và tương tác có trách nhiệm với môi trường của mình, điều này tạo cơ sở nền tảng cho những khám phá phức tạp và trừu tượng hơn sau này.
6. Hình thành thói quen thực hiện một hoạt động một cách ý thức và có tính xây dựng để lại một “trải nghiệm” khiến cho tất cả các hình thức hoạt động khác (không có ý thức & không có tính xây dựng) trở nên 'nhạt nhẽo'.
7. Chúng cũng giúp trẻ hình thành thói quen đánh giá hoạt động của chính mình một cách khách quan và độc lập không theo quan điểm khen ngợi hay chê bai từ bên ngoài, mà từ sự hứng thú và khao khát sự hoàn thiện.
8. Chúng nuôi dưỡng sự phát triển của ý chí thông qua việc cung cấp cho trẻ cơ hội trí thông minh và khả năng kiến tạo trong việc lựa chọn, quyết định, kiên trì theo đuổi một hoạt động. Sức mạnh ý chí chớm nở ở trẻ phát triển mạnh mẽ hơn thông qua phương tiện là các hoạt động có mục đích. Ý chí mạnh mẽ này sẽ trở nên cần thiết trong các hoạt động tương lai của trẻ.
9. Có khả năng là sự phát triển của trẻ trước đây (0-3) hơi lệch đi do không có điều kiện thuận lợi để phát triển. Tuy nhiên, với các bài tập thực hành cuộc sống thực tiễn (EPL), chúng ta vẫn còn thời gian để khắc phục và điều chỉnh những lệch lạc có thể đó ở giai đoạn phát triển (3-6).
Bà Maria Montessori ủng hộ những công việc có mục đích như là một phương tiện để điều chỉnh các vấn đề như vậy. Và các bài tập thực hành cuộc sống thực tiễn (EPL) dường như là loại hoạt động đúng để thực hiện tại thời điểm này. Khôi phục và duy trì trạng thái bình thường là một đặc điểm quan trọng ở giai đoạn phát triển này.
10. Chúng ta không thể giải thích nổi vẻ duyên dáng trong cử chỉ của một con người nhưng chúng ta có thể nhận thấy được. Việc thực hiện các bài tập thực hành cuộc sống thực tiễn (EPL) chứng tỏ đây là một nỗ lực trong việc phát triển vẻ duyên dáng trong cử chỉ của một cá nhân.
Các bài tập thực hành cuộc sống thực tiễn (EPL) vì vậy là phương tiện cho sự phát triển toàn diện. Khi được cân nhắc, hỗ trợ và thực hiện theo cách này thì chúng đạt được nhiều hơn là những chức năng hữu ích đơn thuần. Sẽ không còn có chỗ cho sự phân biệt xã hội và giới tính. Chúng giúp trẻ đặt nền tảng cho một sự phát triển rộng hơn và sâu hơn và các bài tập thực hành cuộc sống thực tiễn (EPL) là cần thiết để làm được như vậy.
Các bài tập thực hành cuộc sống thực tiễn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giúp trẻ xây dựng, rèn luyện và duy trì những thói quen tốt cho trẻ.
Bốn nhóm bài tập thực hành cuộc sống thực tiễn trong Montessori
Chức năng mang tính xây dựng của các bài tập thực hành cuộc sống thực tiễn (EPL) được hiện thực ở một quy mô rộng lớn, phổ biến và phổ thông bao gồm các mối quan hệ cơ bản giữa trẻ và môi trường từ lúc sinh ra cho đến về sau. Chúng mang lại cho trẻ các cơ hội theo cách chủ động và mang tính cá nhân.
Có bốn nhóm khác nhau của các bài tập thực hành cuộc sống thực tiễn (EPL) liên quan các vấn đề mà trẻ có quyền được nhận sự trợ giúp từ chúng ta để có thể phát triển bản thân tuân theo sự thôi thúc nội tại và các quy luật sáng tạo tự nhiên.
Bài học trực quan giúp trẻ học cách phân loại rác, bảo vệ môi trường.
Chính sự thôi thúc nội tại và các quy luật sáng tạo tự nhiên sẽ định hướng cho sự hứng thú có lựa chọn của trẻ đối với các hoạt động này. Cũng chính sự thôi thúc và quy luật tự nhiên đó giúp trẻ nhận thấy rằng các hoạt động này đáp ứng được nhu cầu của riêng trẻ. Do đó chúng khiến trẻ không thể cưỡng lại nổi việc muốn thực hiện, bất chấp sự hiểu lầm và cản trở từ môi trường (người lớn).
Bốn nhóm này được thực hiện để Thiết lập, Duy trì và Khôi phục hiện trạng của:
1. Các môi trường động và tĩnh (quét bụi, lau chùi, giặt rửa, đánh bóng, chăm sóc cây, động vật…)
2. Cá nhân mỗi người (mặc quần áo, cởi quần áo, tắm rửa, chải chuốt)
3. Các mối quan hệ xã hội (chào hỏi, đề nghị, chấp nhận, xin lỗi, …).
4. Các vận động căn bản (cầm nắm, khuân vác, đặt xuống, nhặt lên, … tất cả mọi thứ, đi bộ, ngồi xuống, đứng lên, …)
Tác giả: Sưu tầm