Việc cho trẻ được trải nghiệm một không gian Tết cổ truyền ngay tại trường học là hoạt động thiết thực, giúp trẻ hiểu hơn, yêu hơn và có ý thức giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc. Cùng với sự phát triển của thời đại, rất nhiều phong tục tập quán của dân tộc đang dần bị phai nhạt theo thời gian, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Học gói bánh chưng cũng là hoạt động mà trường mầm non Hồng Tiến tổ chức cho học sinh tham gia vào phiên Chợ Quê xuân Giáp Thìn, ngày 30 tháng 01 năm 2024, tạo cơ hội cho các bé được học hỏi, hiểu biết về phong tục Tết cổ truyền.
Bánh chưng là một loại bánh truyền thống của dân tộc Việt nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Nguyên liệu làm bánh chưng gồm gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong và bánh thường được làm vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt. Là loại bánh duy nhất có lịch sử lâu đời trong ẩm thực truyền thống Việt Nam còn được sử sách nhắc lại, bánh chưng có vị trí đặc biệt trong tâm thức của cộng đồng người Việt. Sự tích Bánh Chưng bánh Giầy muốn nhắc nhở con cháu về truyền thống của dân tộc; là lời giải thích ý nghĩa cũng như nguồn cội của của Bánh Chưng, Bánh Giầy trong văn hóa, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của cây lúa và thiên nhiên trong nền văn hoá lúa nước. Dân tộc nào cũng có thức ăn truyền thống. Song chưa thấy dân tộc nào có một thức ăn vừa độc đáo, vừa ngon lành, vừa bổ, vừa gắn liền với truyền thuyết dân tộc lâu đời, lại vừa có nhiều ý nghĩa sâu xa về vũ trụ, nhân sinh như bánh chưng, bánh giầy của Việt Nam. Bánh chưng hình vuông, màu xanh, tượng trưng trái Đất, âm. Bánh giầy hình tròn, màu trắng, tượng trưng Trời, dương, thể hiện triết lý Âm Dương, Nhằm mục đích cho các học sinh hiểu sâu sắc về ý nghĩa bánh chưng ngày tết và được tự tay học sinh gói bánh. Buổi trải nghiệm vô cùng ý nghĩa và đáng nhớ. Gói xong, các bạn nhỏ còn được các cô nhà bếp luộc hộ để thưởng thức vào bữa quà chiều hôm sau đấy!
Sau đây là một số hình ảnh của hoạt động trải nghiệm gói bánh chưng của các bé lớp MGN B2!