Đảm bảo vệ sinh, an toàn trong chế biến món ăn cho trẻ tại bếp ăn tập thể của trường mầm non là mối quan tâm hàng đầu của hầu hết các nhà trường và cha mẹ trẻ. Mục đích đảm bảo an toàn, vệ sinh khi chế biến món ăn cho trẻ giúp cung cấp đầy đủ dinh dưỡng để trẻ khỏe mạnh, nhạnh nhẹn và phát triển toàn diện. Dưới đây là các bước để đảm bảo vệ sinh, an toàn cho trẻ trong quá trình sơ chế và chế biến món ăn cho trẻ:
Sơ chế thực phẩm
Sau khi tiếp nhận thực phẩm, phân thực phẩm theo các nhóm: thịt cá, rau củ và trái cây. Đảm bảo chúng không bị trộn lẫn để thực hiện sơ chế nhanh chóng. Thực hiện loại bỏ phần lá già, gốc rễ ở rau; gọt bỏ vỏ ngoài ở củ và kiểm tra, làm sạch vảy ở cá.
Khi sơ chế cơ bản thực phẩm xong, cần rửa thực phẩm trực tiếp dưới vòi nước từ 2 đến 3 lần. Thực hiện rửa theo thứ tự: trái cây được ưu tiên trước nhất, đến rau củ quả và thịt cá được rửa cuối cùng.
Cắt, thái, xay nhuyễn
Cắt, thái hay xay nhuyễn thực phẩm còn tùy thuộc vào từng độ tuổi của trẻ mầm non. Đa phần, rau củ sẽ được cắt dạng hạt lựu, cá được thái lát và thịt, tôm,… sẽ được xay nhuyễn.
Các thực phẩm dùng nấu buổi xế cần được đóng hộp và bảo quản trong tủ đựng thực phẩm hoặc tủ mát. Đối với nhóm thực phẩm sống: thịt, cá, tôm,… sẽ được ướp gia vị trước khi tiến hành bảo quản.
Chế biến món ăn
Bữa ăn của trẻ thường gồm 3 món cơ bản: cơm, món mặn và canh.
Cơm: được nấu theo tỉ lệ 1:1,2 hoặc 1:1,4. Có nghĩa là 1kg sẽ nấu cùng 1,2kg nước (cho trẻ trên 3 tuổi) và 1,4kg nước (cho trẻ dưới 3 tuổi).
Món mặn: ưu tiên nấu các thực phẩm chứa nhiều vitamin. Khi nấu nên xào qua dầu để giữ được vitamin trong thực phẩm và có màu sắc bắt mắt.
Đặc biệt, món ăn thơm ngon hơn khi được ướp và xào với tỏi hoặc hành trước khi nấu.
Món canh: thay đổi hàng ngày, có thể là canh rau hoặc canh củ quả.