1. Bắt đầu từ các thuật ngữ toán học đơn giản và cơ bản nhất
Ngay từ khi dạy Gấu tập nói, mẹ đã chỉ cho bé cách nhận biết các sự vật, hiện tượng và dùng đúng từ ngữ để mô tả các khái niệm cơ bản như to – nhỏ, nặng – nhẹ, cao – thấp, đầu tiên – cuối cùng, nhiều – ít, toàn bộ và không gì cả.
2. Dạy con tập đếm
Gấu biết đến khái niệm về các con số đầu tiên không phải thông qua cách nhận mặt số mà là qua cách mẹ dạy tập đếm. Ban đầu, mẹ Gấu cùng con chơi trò học thuộc lòng các con số từ 1 đến 10, đếm xuôi rồi đếm ngược. Sau đó thì nâng dần lên đến hàng chục. Với bước này, các mẹ không cần đòi hỏi trẻ phải hiểu được giá trị của các con số mà đơn giản trẻ chỉ cần thuộc lòng là đủ. Giúp trẻ dễ thuộc mẹ có thể dạy bé thông qua bài hát “Năm ngón tay ngoan” hoặc là luôn chỉ vào các đồ vật trong nhà và đếm cho vui. Điều này sẽ giúp trẻ học được tên và chuỗi các con số.
3. Dạy trẻ đếm có ý nghĩa
Nếu bước tập đếm ở trên, mẹ chỉ cần con đếm thuộc lòng thì khi trẻ lớn hơn một chút mẹ hãy bắt đầu giúp trẻ hiểu khái niệm về các con số. Ở nhà, mẹ Gấu thường hay chơi trò đếm đồ vật với Gấu. Đồ vật tập đếm của Gấu có thể là các bạn thú nhồi bông hay những chiếc xe ô tô ngộ nghĩnh. Khi mới làm quen thì hai mẹ con vừa nhặt từng món đồ chơi bỏ vào giỏ vừa đếm. Lúc đầu đơn giản chỉ là khoảng 2 – 3 đồ vật, sau đó nâng dần lên các số lớn hơn. Dần dần mẹ Gấu để ý khi chơi một mình con cũng học đếm và không chỉ đếm đồ chơi nữa mà Gấu đếm tất cả các đồ vật trong nhà.
4. Nhận biết khái niệm về con số “tổng”
Kết thúc của trò chơi đếm đồ chơi trong giỏ, mẹ Gấu thường nhấn mạnh lại con số cuối cùng và nhắc Gấu: “Vậy là có tất cả 4 chiếc xe ô tô con nhé”. Thay đổi phương pháp, đầu tiên, mẹ dàn hàng 2 chiếc xe ô tô đồ chơi trên mặt sàn, thêm 1 và yêu cầu Gấu đếm lại từ đầu rồi hỏi con có mấy chiếc xe. Tiếp đó mình lại thêm một chiếc xe nữa và lặp lại câu hỏi tương tự.
5. Thêm và bớt đồ vật trong một tập hợp
Để việc dạy trẻ phép cộng, phép trừ khi trẻ mới 4 tuổi không cứng nhắc và khó khăn, mẹ hãy gắn những con số vào các đồ vật thực tế trước mặt trẻ cùng những câu chuyện để trẻ có những tưởng tượng lý thú.
Ví dụ, có lần mua được 1 túi cà rốt về thấy Gấu lăng xăng ra đòi mẹ cho chơi cà rốt. Thế là mẹ dùng luôn túi củ mới mua làm dụng cụ học cho con. Bài học bắt đầu với câu chuyện về thỏ mẹ và thỏ con, thỏ mẹ vào rừng kiếm được 3 củ cà rốt tươi ngon, về đến nhà lại được thỏ bà cho thêm 1 củ, rồi thỏ con ăn 2 củ, cuối cùng thì còn bao nhiêu củ cà rốt. Vì bé chưa thể hình dung ra các con số trong đầu và tính nhẩm ngay được nên mẹ cứ để bé làm các phép cộng trừ bằng cách đếm các củ cà rốt trước mặt.
6. Phân loại đối tượng
Để giúp bé tăng khả năng nhận biết các đồ vật đồng dạng hoặc có cùng đặc tính, mẹ nên hướng cho bé các trò chơi như sắp xếp các bút chì cùng màu vào cùng một nhóm hoặc xếp các miếng ghép hình có cùng hình khối vào một nhóm. Thông thường các bé cũng khá hứng thú với trò chơi này.
7. So sánh các đối tượng
Gấu rất thích khoe với mẹ mỗi khi nhận ra đồ vật này to lớn, cái kia nhỏ hơn, quyển sách này nặng, quyển sách kia nhẹ, đôi giày này cao, đôi dép kia thấp,… Giúp con có khả năng so sánh tốt như vậy là nhờ mẹ thường xuyên đặt hai đồ vật có sự chênh lệch rõ rệt trước mặt gấu rồi hướng dẫn con dùng các mẫu câu so sánh. Không dừng lại ở 2 đồ vật mình còn tăng thêm nhiều đồ vật khác nữa để con sắp xếp theo thứ tự tính chất tăng dần hoặc giảm dần.
8. Dạy con cách ước tính
Đây là một bài toán khá khó đối với trẻ, nhưng để kích thích khả năng phán đoán của con thì mẹ đừng ngần ngại hỏi trẻ: “Con có đoán được trong tay mẹ có bao nhiêu chiếc kẹo không?”hay “Đố con biết có bao nhiêu con búp bê trong tủ đồ trưng bày ở siêu thị?”. Ban đầu, bé có thể đưa ra những con số không tưởng, nhưng mẹ đừng cười bé mà hãy cùng trẻ khám phá ra con số thực và lặp lại câu hỏi này trong những hoàn cảnh tương tự để bé dần đưa ra những đáp án đúng nhất.
9. Dạy bé cách đo lường
Một “bài toán nâng cao” nữa cho các bé mà mẹ đừng bỏ qua đó là hướng dẫn con làm quen với các cách thức đo lường với 1 cây thước kẻ hoặc một chiếc cốc có đánh dấu thể tích nước.