Ngày 5/1, ô nhiễm không khí tiếp tục bao trùm Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình.
Hệ thống theo dõi chất lượng không khí của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, ô nhiễm sáng nay tại miền Bắc phổ biến ở ngưỡng xấu (có hại cho sức khỏe mọi người).
Tại một số điểm đo lên ngưỡng rất xấu như tại Thái Nguyên, thành phố Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) và thành phố Thái Bình (tỉnh Thái Bình). Đây là mức rất có hại cho sức khỏe mọi người. Kết quả ghi nhận tương đương tại các hệ thống theo dõi chất lượng không khí của Đại sứ quán Mỹ, PAM Air.
Trên ứng dụng theo dõi chất lượng không khí của Đại sứ quán Mỹ ghi nhận, đợt ô nhiễm có thể kéo dài thêm khoảng 3-4 ngày tới. Trong đó hai ngày 6-7/1, mức độ ô nhiễm phổ biến ở ngưỡng rất xấu, rất có hại cho sức khỏe mọi người. Thời gian ô nhiễm có thể bao trùm cả ngày.
Khoảng 9-10/1, một đợt gió mùa đông bắc mạnh có thể tràn xuống nước ta, chấm dứt tình trạng ô nhiễm kéo dài suốt nhiều ngày qua ở miền Bắc. Ngày 9/1, ô nhiễm có thể chỉ xuất hiện trong buổi sáng. Chiều 9/1 và ngày 10/1, ô nhiễm không khí có thể được cải thiện. Tuy nhiên, những ngày sau đó, nguy cơ ô nhiễm không khí tái diễn.
Năm 2024, Hà Nội đã ghi nhận 4 đợt ô nhiễm không khí nặng, trong đó 3 đợt tháng 1-4 và 1 đợt vào đầu tháng 10. Thời gian ô nhiễm tập trung từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, cho biết ô nhiễm ở Hà Nội ngày càng tăng, xu hướng không rõ ràng. Nguyên nhân có thể do việc kiểm soát nguồn thải từ sản xuất, xây dựng, giao thông, đốt rơm rác. Ngoài ra, điều kiện thời tiết mùa đông không thuận lợi cho phát tán không khí nên khí thải ra ngoài môi trường bị lưu cữu ở tầng thấp khiến nồng độ ô nhiễm không khí cao.
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khuyến cáo người dân Hà Nội thường xuyên theo dõi chất lượng không khí để chủ động hạn chế tác động do ô nhiễm không khí gây ra.
Cục Quản lý Môi trường y tế khuyến cáo khi chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu (201-300), người bình thường tránh các hoạt động ngoài trời trong thời gian dài hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức; khuyến khích thực hiện các hoạt động trong nhà; tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao.