Ô nhiễm không khí mức nguy hại
Trong những ngày đầu tháng 10, người dân có thể dễ dàng quan sát mức độ ô nhiễm không khí ở mức báo động tại Hà Nội. Theo cảnh báo của hệ thống quan trắc không khí, chất lượng không khí rất kém và gây nguy hại cho sức khỏe nhóm người nhạy cảm là người già và trẻ nhỏ, người mắc bệnh hô hấp.
Vào sáng 13.10, Hà Nội trong tình trạng ô nhiễm không khí, đứng thứ ba thế giới theo bảng xếp hạng của ứng dụng kiểm soát ô nhiễm không khí AirVisual với AQI ở mức 184. Nhiều điểm ở Hà Nội ô nhiễm không khí đạt đến mức màu tím - cảnh báo nguy hại cho sức khỏe. Theo đó, tại điểm đo đường Quảng Khánh (quận Tây Hồ) số AQI lên đến 281.
Một số điểm đo không khí nghiêm trọng khác như Quảng Bá có AQI 255, khu vực bể bơi Sao Mai - Tây Hồ có AQI là 262; điểm đo trường Quốc tế Liên Hợp Quốc Hà Nội có AQI là 222; đường Ngọc Thụy (quận Long Biên) có AQI là 203; đường Hoàng Quốc Việt AQI là 192…
Theo thông tin của Cổng thông tin quan trắc môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội) lúc 7h00 sáng ngày 13.10 điểm đo Minh Khai - Bắc Từ Liêm AQI 121; Vân Hà AQI 157; Kim Bài AQI là 118…
Vấn nạn ô nhiễm không khí tại Hà Nội khiến nhiều người dân đối mặt với các vấn đề sức khỏe.
Bà Cao Hương, 80 tuổi, sinh sống tại quận Cầu Giấy chia sẻ: “Sáng nay tôi ra đường tập thể dục lúc 6 giờ sáng thấy trời âm u mờ mịt cứ nghĩ sương mù. Đi bộ một lúc thấy khó thở, tim đập nhanh, đau đầu… vội quay về nhà. Nghe con cái nói mấy ngày nay Hà Nội đang ô nhiễm không khí rất nặng”.
Tại Bệnh viện Lão Khoa, Bệnh viện Nhi T.Ư mấy ngày qua đang gia tăng số bệnh nhân khám và nhập viện do mắc các bệnh về đường hô hấp, tim mạch, đột quỵ…
Mùa ô nhiễm không khí kéo dài 6 tháng
TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - cho biết: “Thời điểm Hà Nội bước vào mùa ô nhiễm không khí từ tháng 10 đến tháng 3 sang năm. Nguyên nhân gây ô nhiễm do mật độ xây dựng trong thành phố nhiều. Lượng khí thải từ các khu đốt rác, khu công nghiệp ở ngoại thành ngày càng tăng. Người dân đốt rơm rạ và khói bụi từ các phương tiện tư nhân… khiến ô nhiễm không khí ngày một trầm trọng hơn”.
TS Tùng khuyến cáo, không khí ô nhiễm tác động rất lớn đến sức khỏe. Vì thế người dân cần hạn chế các hoạt động ngoài trời, nếu có việc thật cần thiết hãy ra đường để đảm bảo sức khỏe.
Người khỏe mạnh khi tiếp xúc lâu dài trong bầu không khí ô nhiễm thường có triệu chứng như kích ứng mắt, da, mũi và cổ họng; ho, khạc đờm, tức ngực khó chịu… Việc sử dụng khẩu trang đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế rất cần thiết, không phải loại nào cũng tránh được bụi mịn 2.5PM.
Trước vấn nạn ô nhiễm không khí, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TNMT) đã đề nghị các Sở TNMT khẩn trương chỉ đạo, tăng cường tần suất quan trắc, công bố kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí trên cổng thông tin điện tử và phương tiện truyền thông. Cục cũng yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát các nguồn khí thải đặc biệt là các điểm đốt mở, đốt rác thải, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp, công trình xây dựng, cơ sở sản xuất công nghiệp.