Chủ trương hợp lòng dân
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chia sẻ, Hội ra đời trong bối cảnh sự nghiệp giáo dục - đào tạo của nước nhà đang có nhiều khó khăn. Cách đây hơn một phần tư thế kỷ, khi toàn Đảng, toàn dân tập trung đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội theo quan điểm chỉ đạo của Cương lĩnh chính trị 1991, Trung ương Đảng, Chính phủ quyết định thành lập một tổ chức xã hội có chức năng hỗ trợ công cuộc chấn hưng và phát triển giáo dục trên tinh thần phát triển giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu, giáo dục có sứ mệnh phát huy năng lực sáng tạo của con người Việt Nam trên cơ sở giáo dục thường xuyên, học tập suốt đời, lấy tự học, tự giáo dục, tự rèn luyện làm nòng cốt.
Từ ý tưởng chiến lược trên, ngày 29/2/1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 122/TTg về thành lập Hội Khuyến học Việt Nam và đến ngày 2/10/1996, Hội Khuyến học Việt Nam chính thức ra mắt quốc dân đồng bào. Sự ra mắt toàn dân về một tổ chức Hội có tính chất thúc đẩy sự học của toàn dân tạo không khí phấn khởi không chỉ cho những người đam mê với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, còn mang lại một niềm hân hoan, phấn khởi cho tất cả đối tượng, đặc biệt là người nghèo.
Sứ mệnh cao cả của Hội Khuyến học Việt Nam không như các hội khác, không có mục đích tự thân, không chỉ vì quyền lợi của Hội mình mà phục vụ lợi ích, tạo cơ hội, sự bình đẳng trong học tập cho tất cả các đối tượng trong xã hội, từ người khuyết tật, người nghèo đến người giàu, từ người già đến trẻ nhỏ...
Từ việc tạo ra một chủ trương hợp với lòng dân, Hội được nhân dân ủng hộ và tham gia hết sức nhiệt tình. Phong trào khuyến học, khuyến tài nhanh chóng lan rộng trong toàn quốc, thâm nhập tới mọi cộng đồng dân cư, khuyến học, khuyến tài được cán bộ, nhân dân đồng lòng hưởng ứng; xã hội học tập trở thành mô hình giáo dục tất yếu phải xây dựng như việc xây dựng con đường tri thức đưa dân tộc Việt Nam phát triển vươn ra quốc tế và hướng tới tương lai. Vì thế, ngày 16/9/2008, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định, lấy ngày 2/10 hàng năm làm “Ngày Khuyến học Việt Nam” với mục đích động viên các tầng lớp nhân dân, tổ chức xã hội tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; đồng thời tôn vinh những gương sáng hiếu học, tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác khuyến học, khuyến .
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh, trong 15 năm qua, ngày 2/10 trở thành một sự kiện mang ý nghĩa kép: Đánh dấu sự ra đời của một Hội quần chúng không có mục đích tự thân mà chỉ có nhiệm vụ liên kết, phối hợp thúc đẩy toàn dân học tập, góp phần xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam, cùng toàn dân đưa Việt Nam trở thành một quốc gia học tập và kỷ niệm ngày khởi đầu cho sự học tập suốt đời nên mới có "Tuần lễ học tập suốt đời". Theo thời gian, dấu ấn ngày 2/10 càng đậm nét bởi những thành công trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã mang lại nhiều thành quả tốt đẹp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển xã hội học tập ở nước ta.
Góp phần phát triển giáo dục - đào tạo
Kể từ ngày thành lập, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự hăng say cống hiến của đội ngũ cán bộ làm khuyến học từ Trung ương đến địa phương, sự tham gia của đông đảo người dân trong cả nước, phong trào khuyến học nhanh chóng phát triển trên toàn quốc, thu được nhiều kết quả đáng trân trọng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp “trồng người”.
Nhờ công tác khuyến học, nhiều phong trào dòng họ, làng, xã thi đua học tập được khôi phục, phát triển mạnh. Ý thức học tập suốt đời đã và đang thấm thuần vào từng gia đình, dòng họ, khu dân cư, từng cơ sở đào tạo, từng vùng, miền...; xuất hiện nhiều mô hình hay, tấm gương sáng về tinh thần “học không bao giờ cùng”… Nhiều nơi đã xây dựng và duy trì có hiệu quả "Quỹ Khuyến học" bên cạnh các hình thức tuyên dương, động viên, khen thưởng tinh thần học tập khác, tạo ra một nét đẹp văn hóa, một phong trào to lớn, có sức lan tỏa rộng rãi. Các loại hình học bổng phong phú được trao cho cả người lớn, trẻ em đã tạo cơ hội, sự bình đẳng cho người dân trong thực hiện quyền được học tập.
Quan điểm chủ đạo trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là sự phát triển bền vững của đất nước phải bằng tri thức thông qua việc đẩy mạnh hoạt động giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, trong đó tinh thần tự học, học tập thường xuyên, học tập suốt đời của mỗi công dân được coi trọng, là nhân tố quyết định mọi thành công.
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, nếu như phong trào “Bình dân học vụ” và “Bổ túc văn hóa” do Bác Hồ phát động tập trung vào việc xóa mù chữ cơ bản và nâng cao trình độ giáo dục phổ thông cho cán bộ, đảng viên, người lao động, phong trào “học tập suốt đời” hiện nay tập trung xóa mù các kỹ năng lao động, ngoại ngữ, công nghệ thông tin và mù những nghề mới mà nền kinh tế tri thức đang cần nhân lực chất lượng cao. Hội Khuyến học Việt Nam được giao thực hiện 5 mô hình học tập: “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” và nòng cốt là mô hình “Công dân học tập”. Thực hiện được 5 mô hình học tập này, đất nước sẽ có nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc xây dựng “Xã hội học tập” mà nòng cốt là công dân học tập, học tập suốt đời hiện nay thành công, chắc chắn kinh tế - tri thức của đất nước sẽ phát triển mạnh mẽ, bền vững, đạt các chỉ tiêu do Đại hội XIII đề ra, bà Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh.
Thế giới không ngừng biến đổi nhanh chóng, khó lường, kỷ nguyên toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi mỗi người phải tự trang bị cho mình tri thức, hiểu biết, kỹ năng, tay nghề và khả năng thích ứng cao. Thực tế đã chứng minh, không có quốc gia nào phát triển mà không bắt đầu từ giáo dục. Vai trò của học tập, rèn luyện, tự trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ đặc biệt quan trọng; lời căn dặn của Bác Hồ "Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi" đến nay vẫn còn nguyên giá trị.