nhóm kỹ năng sống cho trẻ mầm non mà phụ huynh cần biết
Cập nhật lúc 06/02/2020 14:11
Để bé khôn lớn và trưởng thành một cách thông minh và nhanh nhẹn, bạn đừng nên bỏ qua các nhóm kỹ năng sống cho trẻ mầm non quan trọng.
Cha mẹ nào cũng mong muốn dành cho con những điều tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, một số người lại có khái niệm sai lệch về vấn đề này, dẫn đến việc bao bọc con quá kỹ và khiến bé khó thích nghi được với môi trường xung quanh. Vì vậy, dạy các nhóm kỹ năng sống cho trẻ mầm non là việc rất quan trọng mà phụ huynh cần lưu ý.
Lý do bé cần học kỹ năng sống
Mỗi đứa trẻ ngay từ khi sinh ra đã có những nét riêng biệt, sở hữu những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau. Mặc dù vậy, khi sống trong môi trường tập thể, mỗi bé cần có những kỹ năng chung nhất định để hòa nhập và vui chơi với bạn bè. Những kỹ năng này rất cần thiết đối với quá trình trưởng thành của trẻ.
Mầm non là độ tuổi giúp bé rèn kỹ năng cũng như thói quen của bản thân tốt nhất. Bởi thế, trẻ nên học từ lứa tuổi này để biết được cách tự lập và vượt qua những khó khăn trong cuộc sống khi lớn lên.
Nắm được những kỹ năng sống cần thiết giúp trẻ tự lập hơn (Nguồn: csnd)
Các nhóm kỹ năng sống cần thiết cho trẻ mầm non
1. Kỹ năng tự ăn
Có câu nói “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, nghĩa là việc ăn nên được học đầu tiên. Cha mẹ nên dạy con học cách tự ăn ngay từ lúc nhỏ. Điều này sẽ giúp trẻ từng bước tự lập hơn.
Khi trẻ đã có thể ngồi vững và biết cách cầm nắm đồ vật, những việc bé cần học sẽ là: thứ nên và không nên ăn, cách tự xúc thức ăn… Mọi việc có thể không dễ dàng với trẻ nhỏ vào lúc ban đầu. Từ khoảng 3 đến 4 tuổi, trẻ mới có thể ngồi ăn vững, lấy cốc nước… mà không có sự hỗ trợ bên cạnh. Nếu các bé đi nhà trẻ thì những kỹ năng này sẽ được chỉ dẫn nhiều hơn.
Trẻ mầm non nên học cách tự ăn (Nguồn: tovedu)
2. Kỹ năng ứng xử
Một trong những kỹ năng thiết yếu cho trẻ là ứng xử đúng cách để có thể tự tin và hòa nhập với môi trường xung quanh. Những kỹ năng ứng xử có thể kể đến như: chào hỏi mọi người, tôn trọng người lớn và nhường nhịn những ai nhỏ tuổi, nói cảm ơn và xin lỗi, cách xử sự đúng mực ở các tình huống.
Cha mẹ nên là tấm gương để trẻ noi theo. Bên cạnh đó, những khi trẻ phạm sai lầm chỉ nên nhắc nhở và dạy dỗ một cách nhẹ nhàng nhất có thể. Hãy nhớ: Đừng nên gây áp lực quá nhiều cho trẻ!
3. Kỹ năng tự chăm sóc bản thân
Trẻ mầm non hoàn toàn có thể tự làm một số việc mà không cần hỗ trợ từ người khác, chẳng hạn như: đánh răng, đi giày, lấy thức ăn và đồ uống, đội mũ khi ra ngoài…
4. Kỹ năng học hỏi
Trẻ mầm non thường hay tò mò và thích tìm hiểu những thứ xung quanh. Các bậc phụ huynh nên tạo môi trường thuận lợi để trẻ có thể phát huy và rèn luyện kỹ năng này.
Việc nên làm chính là mua sách cho trẻ tập đọc, tham gia các hoạt động vui chơi để trẻ được trải nghiệm mọi thứ… Bên cạnh đó, bạn hãy dạy con mình cách đặt câu hỏi (tại sao, cái gì) và tìm lời giải cho câu hỏi (làm như thế nào).
Rèn luyện cho trẻ đọc sách từ nhỏ để tăng kỹ năng học hỏi (Nguồn: tuvantamly)
5. Kỹ năng nói thật
Thông thường, trẻ em không biết nói dối nhưng lại học điều này rất nhanh và dễ dàng. Thực tế, ai cũng đã từng nói dối. Việc này không xấu và cũng không gây hại cho ai với một số trường hợp, như nói dối để tự bảo vệ bản thân hay để người khác không lo lắng về tình trạng sức khỏe... Tuy nhiên, trẻ còn quá nhỏ để biết được khi nào nên làm như vậy.
Vì thế, cha mẹ nên khuyên con nói ra suy nghĩ của bản thân, khen ngợi khi trẻ dũng cảm thừa nhận bản thân phạm lỗi hay nói dối để hạn chế thói quen này ở bé.
6. Kỹ năng sắp xếp ngăn nắp
Ngăn nắp là đức tính tốt cần phải rèn luyện cho trẻ ngay từ nhỏ. Cha mẹ nên sắp xếp mọi thứ trong nhà gọn gàng, đúng trật tự và yêu cầu mọi thành viên gia đình đều phải tuân theo, kể cả con mình.
Lời khuyên để trẻ ý thức hơn về việc ngăn nắp chính là nhắc nhở trẻ sau khi chơi cần xếp các đồ chơi lại chỗ cũ, quần áo không được vứt lung tung trên sàn nhà...
7. Kỹ năng vượt qua trở ngại
Trẻ con có thể tự vượt qua được một số việc khó khăn mà không cần người lớn hỗ trợ. Nếu bạn cứ giúp đỡ mà không để trẻ tự lập, bé sẽ có thói quen ỷ lại, không trưởng thành được.
Ví dụ như khi con mình vấp ngã, hãy động viên trẻ tự đứng lên. Khi con có xích mích với bạn, việc không nên làm chính là vội vàng bênh vực trẻ. Bạn nên tìm hiểu rõ nguyên nhân, dạy trẻ nói ra cảm xúc và gợi ý cách làm đúng để giải quyết vấn đề.
8. Kỹ năng giúp đỡ và chia sẻ
Nếu như muốn con trở thành một người nhân hậu, giàu tình thương thì bạn nên dạy bé biết quan tâm và giúp đỡ người khác.
Dạy cho trẻ biết chia sẻ và giúp đỡ mọi người xung quanh (Nguồn: HelloBacsi)
Để trẻ học được kỹ năng này, trước hết các bậc phụ huynh cần là tấm gương tốt để con noi theo. Những việc bạn có thể dạy bé là: tự cho bát đĩa vào bồn rửa sau khi ăn xong, thu dọn đồ đạc giúp người lớn. Khi thấy người khác gặp vấn đề, hãy gợi ý cho trẻ giúp đỡ và chia sẻ khó khăn bằng nhiều cách.
9. Kỹ năng phòng tránh nguy hiểm
Trong xã hội phức tạp như hiện nay thì kỹ năng phòng tránh nguy hiểm là vô cùng cần thiết cho trẻ em. Bạn cần dạy trẻ không nên đi theo hay nhận bất kỳ vật gì từ người lạ, hoặc tránh xa những khu vực, con vật, đồ vật... có thể gây nguy hiểm.
10. Kỹ năng quản lý thời gian
Cha mẹ nên đưa ra những quy định về thời gian ăn, chơi đùa, xem ti vi... để con được rèn luyện ngay từ nhỏ. Quản lý thời gian tốt sẽ giúp ích rất nhiều cho cuộc sống của bé trong học tập và công việc hằng ngày.
11. Kỹ năng trồng cây và chăm sóc động vật
Nếu bé biết yêu quý thiên nhiên và động vật thì tính cách và tâm hồn cũng sẽ tươi đẹp hơn. Kỹ năng này sẽ giúp cho trẻ nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực, học cách tư duy và biết quan tâm đến mọi thứ xung quanh.
Biết yêu quý động vật sẽ giúp nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ (Nguồn: vietchigo)
12. Kỹ năng bơi lội
Bơi lội thực sự là một kỹ năng cần thiết cho trẻ mầm non và kể cả với người lớn. Nếu xảy ra tình huống bất ngờ như bị rơi xuống ao hồ, bé có thể tự cứu lấy mình và sống sót. Tốt nhất là bạn nên cho trẻ học bơi khi bé đủ điều kiện về sức khỏe, có các thiết bị hỗ trợ và sự giám sát chặt chẽ.
Edu2Review hy vọng qua bài viết này, các bậc phụ huynh sẽ nắm được những kỹ năng cần thiết để chỉ dẫn cho con mình và giúp bé thích nghi được với các thử thách trong cuộc sống.
Ngọc Trân (Tổng hợp)