Mỗi thành viên trong gia đình rối đều có một nét đặt trưng riêng, nhưng với khuôn hình ban đầu giống nhau, trông các con rối rất đẹp mắt và hài hòa!
Bạn cần những nguyên vật liệu như sau:
- Vải dạ nhiều màu
- Chỉ màu nhiều màu
- Dây ruy băng
- Kim
- Kéo
- Hạt nút
- Đũa tre (bạn có thể dùng bút chì)
- Keo nến.
Bước 1:
Cắt vải dạ màu da làm đầu cho con rối. Phần đầu của rối cần 2 hình tròn bằng nhau. Tùy vào con rối bạn làm lớn hay nhỏ để cắt hình tròn thích hợp.
Trong mẫu gia đình rối này, rối lớn như rối bố, rối mẹ thì dùng hình tròn có đường kính 3cm, còn rối con chỉ cần 2cm.
Bước 2:
Mỗi thành viên rối trong gia đình sẽ được thiết kế những bộ trang phục phù hợp, tùy ý bạn. Phần thân rối được cắt theo hình thân người đơn giản, gần giống như hình tam giác vẽ bầu bĩnh các cạnh.
Rối bố được cắt 2 tấm vải dạ màu xanh làm áo bên ngoài, bên trong bạn cắt 2 tấm vải dạ màu trắng có kích thước nhỏ hơn 2 tấm vải dạ xanh bên ngoài một chút xíu. Bạn cắt thêm hình cà vạt để trang trí bên ngoài áo rối bố nhé!
Rối mẹ được cắt váy đỏ và tạp dề kẻ hồng tím.
Rối chị được cắt váy hồng và túi xách hồng đậm.
Rối em được cắt áo vàng và yếm chấm bi.
Bước 3:
Tiếp theo bạn làm khuôn mặt cho các con rối. Dùng hai hạt cườm đen nhỏ bạn khâu làm mắt, sau đó dùng chỉ đen khâu lông mày, mũi, miệng... Bạn có thể khâu hình miệng cười, miệng mếu,... để khuôn mặt rối có thêm nét biểu cảm.
Bước 4:
Đặt 2 tấm tròn khuôn mặt chồng lên nhau, khâu vòng tròn xung quanh, nhớ chừa trống một khoảng trên vòng tròn để khâu với phần áo nữa nhé!
Bước 5:
Dùng keo nến dán cố định một đầu sợi dây ruy băng lên trên đầu chiếc đũa tre, sau đó bạn quấn dây ruy băng bao quanh đũa tre theo hình xoắn ốc, kết thúc dây ruy băng cũng cố định bằng keo nến. Phần chân rối đơn giản này sẽ đồng thời là que cầm rối.
Bước 6:
Khâu hai bên sườn thân, cổ áo vào phần trên cùng của thân; khâu các bộ phận trang trí khác như cà vạt, yếm... vào thân ngay dưới cổ áo.
Nhồi bông vào thân và cắm que cầm vào sâu trong thân rối.
Bước 7:
Khâu kín phần dưới cùng của thân từ hai bên vào sát que cầm cho chắc chắn, bạn khâu bằng mũi thùa khuy cho chặt chẽ.
Bước 8:
Tóc của rối em chỉ cần cuộn một túm len và khâu vào giữa đỉnh đầu, trang trí thêm cho em cái yếm hình bán nguyệt, cắt răng cưa hay lượn sóng ngoài viền.
Tóc của rối bố cũng chỉ cần 1 túm len ngắn nhưng phần khâu đính có thể lệch sang một bên đầu giả làm ngôi lệch.
Tóc của rối mẹ được cuộn bằng túm len dài hơn, khâu đính giữa đỉnh đầu, sau đó lại dùng chỉ buộc túm hai bên vểnh ra phía trước trông đúng kiểu tóc uốn của phụ nữ.
Bước 9:
Riêng rối chị điệu đà có một chút biến tấu so với cách khâu 3 thành viên còn lại.
Cổ áo của rối chị được khâu bằng hai mẩu ren nhỏ, túi xách được đính hạt cườm làm cúc cho nắp túi, chỉ hồng đậm cùng tông màu khâu trực tiếp vào thân hồng nhạt làm quai đeo cho túi.
Rối chị được khâu tóc bằng túm len ít lần cuộn hơn, tạo sợi tóc thưa hơn, và cuộn cũng dài hơn, buộc bằng sợi hồng đồng màu trang phục, rất điệu đà.
Mỗi thành viên trong gia đình rối đều có một nét đặt trưng riêng từ đầu tóc đến trang phục, nhưng với khuôn hình ban đầu giống nhau, trông các con rối rất hài hòa như một gia đình hạnh phúc,
Với bộ rối dễ thương do chính tay mẹ làm cho bé chơi chắc hẳn bé sẽ thích lắm đấy!
Chúc các bạn thành công và làm được cho bé bộ rối thật đẹp nhé!